Bước tiến mới trong điều trị ung thư bằng vaccine
(Dân trí) - Không dừng lại ở chức năng phòng ngừa, vaccine đang trở thành công cụ điều trị ung thư. Đây được xem là các bước ngoặt lớn, giúp giảm bớt gánh nặng ung thư.
Từ tháng 6 tới, Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) sẽ đưa vào sử dụng thuốc tiêm dưới da Nivolumab để điều trị 15 loại ung thư. Anh trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên sử dụng mũi tiêm này.
Không chỉ Anh, rất nhiều quốc gia và các công ty điều chế vaccine lớn cũng đang tích cực chạy đua điều chế vaccine ung thư.

Vaccine điều trị 15 loại ung thư của Anh được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm thời gian điều trị cho bác sĩ và người bệnh (Ảnh minh họa: Unsplash).
Loại thuốc tiêm dưới da điều trị 15 loại ung thư
Chia sẻ với Guardian, Giáo sư Peter Johnson, Giám đốc lâm sàng quốc gia về ung thư tại NHS Anh, cho biết thuốc Nivolumab có thể sử dụng cho 15 loại bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi, ruột, thận, bàng quang, thực quản, da, đầu và cổ.
Việc sử dụng mũi tiêm Nivolumab giúp giải phóng thời gian cho các bác sĩ lâm sàng, cho phép điều trị nhiều bệnh nhân hơn và tăng cường năng lực của các bệnh viện.
Trước đó, bệnh nhân có thể mất 30-60 phút để truyền loại thuốc này qua đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, phương pháp mới chỉ mất 3-5 phút.
NHS Anh cho biết việc điều trị bằng mũi tiêm Nivolumab sẽ giúp các bác sĩ tiết kiệm khoảng 1.000 giờ mỗi tháng trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân ung thư. Trung tâm này thường điều trị khoảng 1.200 bệnh nhân mắc các bệnh ung thư khác nhau.
Các chuyên gia cũng dự tính số bệnh nhân ung thư có thể được điều trị bằng mũi tiêm nhanh ở xứ sở sương mù lên đến 15.000 người mỗi năm.
Triển vọng vaccine điều trị ung thư
Gần đây nhất, hồi tháng 3, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tufts (Mỹ) đã nghiên cứu thành công một loại vaccine ung thư mới. Vaccine đã được thử nghiệm trên động vật, cho thấy hiệu quả đối với ung thư da, ung thư vú, ung thư phổi Lewis và ung thư buồng trứng giai đoạn cuối.
Khác với vaccine truyền thống ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn hoặc virus, vaccine này kích thích hệ miễn dịch nhận diện và tấn công tế bào bị bệnh. Các liều tiêm được thiết kế để điều trị hơn là phòng bệnh.
Hồi tháng 12/2024, Nga cũng tuyên bố đã phát triển một loại vaccine chống ung thư dựa trên công nghệ mARN, vốn từng được sử dụng để sản xuất vaccine phòng Covid-19 của Pfizer và Moderna.
Thay vì phòng ngừa, vaccine chống ung thư của Nga tập trung vào việc điều trị, nhằm kiểm soát các khối u và di căn ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc ung thư.
Vaccine sẽ phù hợp với bất kỳ loại ung thư nào, được cá nhân hóa theo từng bệnh nhân và phân phối miễn phí sau khi hoàn tất thử nghiệm lâm sàng.
Ngoài ra, thế giới đã có một số vaccine giúp ngăn ngừa virus gây bệnh truyền nhiễm dẫn tới ung thư như HPV, HBV.
Trong khi vaccine HPV có tác dụng ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, hậu môn, đầu cổ, dương vật, âm hộ và âm đạo, vaccine HBV lại ngăn chặn tác nhân gây viêm gan B - nguyên nhân chính dẫn tới xơ gan, ung thư gan.
Bên cạnh đó, một số loại vaccine cũng đã được đưa vào sử dụng để điều trị ung thư.
Vaccine BCG được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu, giúp ngăn ngừa sự tiến triển, di căn của khối u.
Một loại vaccine có tên sipuleucel-T cũng đã được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt di căn hoặc lan rộng, giúp kéo dài sự sống cho nhóm này.