Bùng phát cúm A/H1N1, bí hiểm cúm H7N9

(Dân trí) - Các chuyên gia y tế Việt Nam đang tỏ ra lo ngại về sự biến chủng của vi rút cúm H1N1 (xuất hiện nhiều chùm ca nhiễm cúm A/H1N1, bệnh cảnh nặng nề, thậm chí tử vong) và sự bí hiểm của các ca nhiễm H7N9 tại Trung Quốc.

Một nửa bệnh nhân cúm là cúm A/H1N1

Sáng 23/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người, TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Kết quả giám sát hội chứng cúm 4 tháng đầu năm 2013, trong số 962 mẫu được thu thập tổng số mẫu dương tính với cúm là 119 trường hợp (12,4%), trong đó, cúm A/H3N2 là 21 trường hợp (17,6%), cúm A/H1N1 là 48% với 57 ca.
 
GS.TS Trịnh Quân Huấn bày tỏ sự lo lắng khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát trở lại. Ảnh: H.Hải
GS.TS Trịnh Quân Huấn bày tỏ sự lo lắng khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát trở lại. Ảnh: H.Hải

“Năm 2012, số ca nhiễm cúm A/H1N1 trong cộng đồng rất thấp, chiếm 5 - 7% trong tổng số mẫu được giám sát”, TS Dương nói.

GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng sự bùng phát trở lại của cúm A/H1N1 là rất đáng ngại. Bởi cúm A/H1N1 là cúm có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, xuất hiện năm 2009 ở trên 90 nước.

Ông Huấn dẫn chứng về ba chùm ca bệnh ở Thanh Hóa, Yên Bái và bệnh nhân là hai mẹ con lây nhau được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ. Đáng nói, ca bệnh ở Thanh Hóa lây từ một người anh đi từ Hà Nội về Thanh Hóa thăm người nhà, lây cho cả gia đình. Kết quả xét nghiệm của các thành viên trong gia đình đều là cúm A/H1N1, bệnh đều đã tự khỏi, riêng ở em bé 12 tuổi thì diễn tiến nhanh, dù được hồi sức tích cực nhưng bé đã tử vong sáng 23/4 do bị suy hô hấp quá nặng nề.

Còn trước đó, ngày 18/4 bệnh nhân là nam thanh niên 23 tuổi ở Yên Bái đã tử vong sau hơn 1 tuần nhập viện Bạch Mai, điều trị tích cực. Bệnh nhân này cũng đã lây cho 3 - 4 người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, nhưng may mắn đều biểu hiện bệnh nhẹ và đã khỏi bệnh.

Ca tử vong cuối tháng 3/2013 tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng là một người đàn ông trung niên ở Yên Bái vốn tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, bị nhiễm cúm A/H1N1 và bệnh ngày càng diễn tiến nặng dẫn đến tử vong.

Như vậy, chỉ trong chưa đầy một tháng đã có 3 bệnh nhân tử vong được xác định nhiễm cúm A/H1N1, ba chùm ca bệnh lây lan nhau, thêm nhiều bệnh nhân viêm phổi nghi ngờ cúm nhập viện cho thấy dịch cúm A/H1N1 quay trở lại là rất đáng ngại.

“Năm 2012 tỉ lệ bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 là rất thấp, chỉ khoảng 5 - 7% trong tổng số ca được giám sát. Vậy mà đầu năm 2013 cúm A/H1N1 bùng lên rất lớn. Nó ở đâu ra, lây theo kiểu gì, không thể cứ nói chung chung là lây từ người sang người”, ông Huấn băn khoăn.

Cũng theo GS Huấn, việc xuất hiện từng chùm ca bệnh khiến cộng đồng lo ngại nếu cứ để như thế có thể dẫn đến tái tổ hợp chủng vi rút cúm mới, dù khả năng xảy ra rất hiếm.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, sau đại dịch cúm A/H1N1, đến nay, chủng cúm này vẫn xuất hiện và lưu hành như một vi rút cúm mùa.  Do đó, việc có bệnh nhân mắc cúm này là đương nhiên.

Tuy nhiên, vi rút cúm A/H1N1 có đặc tính lây lan nhanh nhưng không gây tử vong cao. Trong khi đó, vi rút cúm H5N1, H7N9 gây tử vong cao, nếu các chủng vi rút này tái tổ hợp sẽ tạo ra một loại vi rút mới vừa có đặc tính lây lan nhanh lại gây tử vong cao thì cực kỳ nguy hiểm.

“Bí ẩn”cúm A/H7N9

GS. TS Trịnh Quân Huấn cho rằng trong những tuần gần đây, khi dịch cúm A/H7N9 xuất hiện ở Trung Quốc, sự trở lại của cúm A/H5N1 trên người cộng thêm sự lưu hành của cúm thường H1N1 càng khiến người ta lo ngại về khả năng tái tổ hợp giữa vi rút cúm A/H1N1 với cúm A/H7N9 hoặc H5N1.

Về dịch cúm A/H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay nước này đã xác nhận 104 trường hợp mắc, 21 tử vong (tỉ lệ tử vong là 20%). Triệu chứng chính của người nhiễm vi rút cúm A/H7N9 gồm sốt, ho và khó thở gây suy hô hấp, gặp ở tất cả các độ tuổi nhưng tập trung ở nhóm trên 60 tuổi, tỷ lệ mắc ở nam nhiều hơn nữ.

TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, tất cả các trường hợp được xác nhận tại Trung Quốc đều dương tính với cúm A/H7N9 có gen từ nguồn gốc gia cầm, nhưng chưa xác định được nguồn lây nhiễm, phương thức lây truyền, hiện cũng chưa có bằng chức xác định lây từ gia cầm sang người hoặc từ người sang người. Tuy nhiên, qua phân tích gen cho thấy chủng vi rút này đã tiến hóa từ vi rút cúm gia cầm (chim) và có dấu hiệu thích ứng nhanh với các loài động vật có vú. Một điều đáng lưu ý chưa phát hiện được các ổ dịch gây gia cầm ốm hoặc chết do cúm A/H7N9.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định, chủng cúm A/H7N9 là rất bí hiểm. Bởi bản thân H7 là nhóm ở gia cầm là chính mà giờ sang người? Tại sao tử vong lại nhiều thế, đến ngay WHO đến thời điểm này cũng chưa biết?

“Theo các nguồn tin, chúng ta chưa xác định được nguồn truyền nhiễm, dù đã phát hiện trên gia cầm, bồ câu; trên 50% không xác định nguồn truyền nhiễm; chưa loại trừ nguyên nhân lây từ người sang người nhưng cũng chưa rõ. Nếu có ca ủ bệnh H7N9 vào Việt Nam đến giai đoạn này có thể cũng chưa biết. Do đó cần tăng cường giám sát, nhất là tại các bệnh viện để nghiên cứu xem tại sao tử vong lại cao như vậy”, Thứ trưởng Long cho biết.

Ông Long cũng nhận định, nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập ở mức độ rất cao, vì Việt Nam có đường biên chung dài với Trung Quốc, giao lưu đi lại nhiều, giao lưu thương mai, có hiện tượng buôn lậu gia cầm (khi nhập gà thải loại thì có nhiều yếu tố nguy cơ khác)… Vì thế, Việt Nam sẽ tăng cường triển khai giám sát chặt 24/24 tại các cửa khẩu, chủ yếu hành khách từ TQ về; Tăng cường giám sát trên đàn gia cầm tại khu vực cửa khẩu, và nội địa; Hai Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ cùng phối hợp để giám sát trên đàn gia cầm…

Hồng Hải