1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ Y tế: Ưu tiên vắc xin Pfizer cho người đã tiêm mũi một AstraZeneca

Nam Phương

(Dân trí) - Một số nước tiêm mũi 2 Pfizer cho người đã tiêm mũi một vắc xin AstraZeneca. WHO cũng ủng hộ việc này trong trường hợp nguồn cung vắc xin hạn chế.

Ngày 22/7, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn triển khai tiêm vắc xin của Pfizer. Theo đó, hiện nay nguồn vắc xin hạn chế trên toàn cầu, tiến độ cung ứng không đủ đảm bảo mỗi người đều được đủ 2 liều của cùng một loại vắc xin khi đến lịch tiêm. Một số quốc gia như Canada, Đức, Pháp, Na Uy, Hàn Quốc... đã áp dụng kết hợp hai loại vắc xin phòng Covid-19 khác nhau để tiêm 2 mũi cho người dân, đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. 

Nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy sau khi tiêm mũi một AstraZeneca và mũi 2 là vắc xin BNT162b2 do Pfizer sản xuất cho thấy miễn dịch sinh ra là tương đương với việc tiêm 2 mũi vắc xin BNT162b2, và cao hơn so với việc tiêm 2 mũi vắc xin AstraZeneca. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin AstraZeneca mũi một và vắc xin của Pfizer mũi 2 có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.

Bộ Y tế: Ưu tiên vắc xin Pfizer cho người đã tiêm mũi một AstraZeneca - 1

Một số quốc gia có khuyến cáo tiêm hai loại vắc xin khác nhau để tăng hiệu quả miễn dịch.

Trong một hướng dẫn tạm thời ngày 15/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đề cập đến việc kết hợp tiêm mũi 2 vắc xin của Pfizer sau khi tiêm mũi một vắc xin AstraZeneca ở những nơi không có vắc xin cùng loại do hạn chế về nguồn cung.

Tại Việt Nam, đến nay có hơn 3,5 triệu người đã được tiêm mũi một và hơn 300.000 người được tiêm đủ 2 mũi. Trong tháng 7, Bộ Y tế sẽ tiếp nhận 746.460 liều vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer. Hai lượt vắc xin đầu tiên mỗi lượt 97.110 liều đã tới Việt Nam trước đó. 

Bộ đã có quyết định phân bổ 746.460 liều vắc xin của Pfizer được cung ứng trong tháng 7 cho các địa phương và đơn vị để triển khai tiêm, trong đó bộ nêu rõ trường hợp số lượng vắc xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc xin AstraZeneca từ 8-12 tuần, nếu người được tiêm đồng ý.

Để tăng cường giám sát an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị phải khẩn trương thực hiện báo cáo riêng về kết quả tiêm chủng và sự cố bất lợi sau tiêm chủng của các đối tượng tiêm vắc xin của Pfizer mũi 2 mà đã tiêm mũi một bằng vắc xin AstraZeneca ngay sau khi kết thúc đợt tiêm chủng. 

Đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định bảo đảm an toàn tiêm chủng, giám sát chặt chẽ các sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.

Theo tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, một số nghiên cứu đang được tiến hành để trả lời các câu hỏi về an toàn và hiệu quả khi sử dụng các loại vắc xin Covid-19 khác nhau cho liều đầu tiên và liều thứ hai. Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới đã xem xét các kết quả nghiên cứu hiện có trong đó vắc xin Pfizer được tiêm ở liều thứ hai sau khi tiêm liều đầu tiên vắc xin AstraZeneca.

Nhóm chuyên gia đã cập nhật khuyến nghị của mình và ủng hộ việc sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm liều thứ hai cho những người đã tiêm vắc xin AstraZeneca liều đầu tiên nếu vắc xin AstraZeneca không có sẵn do hạn chế về nguồn cung cấp vắc xin hoặc các mối quan tâm khác. WHO khuyến khích và hoan nghênh các nghiên cứu sâu hơn về sự kết hợp của các sản phẩm vắc xin khác nhau.

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4