Bộ Y tế lo y bác sĩ bỏ việc khi dịch đang căng thẳng
(Dân trí) - Bộ Y tế cho biết qua đợt kiểm tra và báo cáo của một số tỉnh, thành phố có hiện tượng người hành nghề tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được phân công.
Đầu tháng 8, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các cơ sở y tế đảm bảo duy trì khám chữa bệnh thường quy. Tuy nhiên, hiện nay, qua các đợt kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế và báo cáo của một số tỉnh, thành phố có hiện tượng người hành nghề tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được phân công.
Vì thế, để khắc phục tình trạng này, bảo đảm nhân lực thực hiện phòng chống dịch Covid-19 và khám chữa bệnh thường quy, Bộ Y tế vừa có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường quản lý người hành nghề khám chữa bệnh.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn (cả cơ sở công lập và tư nhân) bảo đảm nhân lực làm việc tại cơ sở theo quy định, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị. Đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch bố trí nhân lực phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế để dự phòng có tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế, gây ảnh hưởng đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, cần phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các cán bộ, viên chức, người hành nghề tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid- 19 và hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ cũng yêu cầu Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh việc quản lý người hành nghề tại các cơ sở y tế; tổng hợp các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế để tổng hợp; xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp vi phạm.
Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Số lượng bệnh nhân đông, nhiều trường hợp nặng khiến hệ thống y tế bị quá tải. Không chỉ phải làm việc trong môi trường nhiều nguy cơ, các y bác sĩ cũng phải chịu áp lực rất lớn, trong thời gian dài. Thậm chí đã có cán bộ y tế bị lây nhiễm và đã không thể qua khỏi.
Công đoàn Y tế Việt Nam thống kê đã có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm SARS-CoV-2 khi làm việc.
Dù vậy, đại bộ phận cán bộ y tế đang làm việc trên 100% công suất, làm việc bất kể ngày đêm, bất chấp nguy cơ. Bộ Y tế cũng đã điều động hàng chục nghìn người từ các trường, các viện, các bệnh viện… để hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh phía Nam.