Bộ Y tế lắng nghe vướng mắc của địa phương trong mua sắm thuốc, vật tư

Nam Phương

(Dân trí) - Các đơn vị cho rằng 2 văn bản mới nhất của Chính Phủ đã tháo gỡ phần lớn những vướng mắc trong mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, dù vậy vẫn cần có biện pháp để giải quyết căn cơ vấn đề.

Sáng 10/3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn các Sở Y tế, bệnh viện, cơ sở y tế và doanh nghiệp… triển khai nghị quyết 30 và nghị định 7 của Chính phủ. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh đây là 2 văn bản hết sức quan trọng, căn cơ, đã bước đầu tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. 

Bộ Y tế lắng nghe vướng mắc của địa phương trong mua sắm thuốc, vật tư - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh: Trần Minh).

"Những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà giải quyết từng bước. Do đó, tại hội nghị này, chúng tôi muốn nghe các đơn vị tham gia nêu rõ những gì còn vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… để Bộ Y tế ghi nhận và phối hợp với Bộ, ngành trung ương báo cáo lên Chính phủ. Mục đích cuối cùng và xuyên suốt là không được để thiếu thuốc, vật tư y tế mà cần có giải pháp thay thế để phục vụ người bệnh", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính và Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế đều khẳng định, 2 văn bản này đang góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt về thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập. Trong đó có những quy định mới chỉ thí điểm thực hiện đến ngày 31/12/2023.

Dược sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng cho rằng hai văn bản của Chính phủ đã giải quyết rất nhiều vướng mắc cho TP. Theo hầu hết các bệnh viện là đã giải quyết được 80-90% vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế. 

Giống như nhiều Sở Y tế khác, TPHCM kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành danh mục trang thiết bị phải kê khai giá vì hiện giờ cái nhỏ nhất cũng phải kê khai. 

Đại diện ngành y tế Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ Y tế và các Bộ quan tâm hỗ trợ hướng dẫn cụ thể, tình huống nào là cấp bách trong đơn vị y tế. Việc không có thuốc, vật tư y tế cấp cứu bệnh nhân đã được coi là cấp bách chưa vì liên quan đến chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn. Nếu không dù các văn bản thông suốt thì việc mua sắm cũng sẽ mất thời gian 3- 6 tháng, thậm chí lâu hơn nếu doanh nghiệp không vào hỗ trợ. 

Trong khi đó, đại diện Sở Y tế Thanh Hóa đề xuất nên tổ chức đàm phán giá với các sinh phẩm, hóa chất theo máy vì gần như độc quyền. "Lý do vì giống như đấu thầu thuốc biệt dược gốc, anh em rất lo sợ vì chỉ có một loại như thế, đấu thầu tại cơ sở là gần như trúng thầu", đại diện ngành y tế Thanh Hóa nói. 

Bộ Y tế lắng nghe vướng mắc của địa phương trong mua sắm thuốc, vật tư - 2

Hội nghị được kết nối từ Bộ Y tế đến gần 1.300 điểm cầu của các tỉnh, thành phố, quận, huyện (Ảnh: Trần Minh).

Lãnh đạo nhiều Sở Y tế và các bệnh viện cũng đề nghị thời gian tới cần khẩn trương sửa đổi luật Đấu thầu để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế. Cụ thể cần có những quy định riêng dành cho thuốc và trang thiết bị y tế với sự tham gia. 

Cần có các biện pháp đồng bộ giải quyết căn cơ của vấn đề 

Nhiều đơn vị cũng băn khoăn về việc những hướng dẫn trong nghị quyết 30 chỉ mang tính tạm thời, nếu sau này thanh tra, kiểm toán thì có được chấp nhận hay không. Từ đó đề nghị cần triển khai nghị quyết 30 của Chính phủ tới các ngành khác để về sau không gây khó cho các đơn vị của ngành y tế trong quá trình thanh tra, kiểm tra. 

 "Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiến hành sửa đổi luật Đấu thầu. Đó là sửa đổi theo hướng được phép mua sắm trang thiết bị được phân nhóm các nước sản xuất, được phép chỉ định trong trường hợp máy đóng. Hiện nay luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 cũng đã quy định về nội dung bệnh viện được sử dụng máy mượn, khắc phục tình trạng khoảng trống pháp lý", ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết. 

Thứ trưởng Tuyên cũng lưu ý các đơn vị của Bộ phải sớm hoàn thiện về thể chế, tiến tới phải sửa luật Dược sửa đổi, luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, đồng thời khẩn trương xây dựng luật về trang thiết bị y tế.

"Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư để sửa luật Giá, luật Đấu thầu. Nếu không đồng được tất cả các văn bản thì không thể giải quyết được vướng mắc", Thứ trưởng Tuyên nói. 

Về vấn đề liên doanh liên kết, Thứ trưởng cho biết nội dung này đã được đề cập đến trong luật Khám chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực vào năm 2024. Sắp tới, Bộ sẽ tham mưu về vấn đề này.