Bộ Y tế không giấu thông tin dịch sởi!

(Dân trí) - Trước sự “phẫn nộ” của dư luận vì cho rằng bệnh sởi diễn biến trên thực tế nghiêm trọng hơn nhiều so với công bố và Bộ Y tế “né” dịch, người đứng đầu ngành y tế khẳng định: “Bộ Y tế hoàn toàn không giấu thông tin về dịch sởi”.

Sáng 16/4, sau hơn 2 tháng kể từ khi dịch sởi bùng phát ở Hà Nội, với số mắc chiếm 1/3 ca mắc trong cả nước, số tử vong chiếm trên 50% (cả nước ghi nhận trên 7.000 ca mắc, 108 ca tử vong), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên “thị sát”tình trạng bệnh nhi sởi điều trị tại BV Nhi Trung ương. Sau khi thăm các bệnh nhi phải thở máy tại khoa Truyền nhiễm, khoa Hô hấp, khoa Hồi sức tích cực, cuộc họp “kín” từ chối sự tham gia của cơ quan truyền thông cũng diễn ra ngay tại BV Nhi Trung Ương do Bộ trưởng đích thân chủ trì.

Sau 4 tiếng chờ đợi, dưới “sức ép” từ cơ quan truyền thông, người đứng đầu ngành y tế lần đầu tiên “đăng đàn”, trả lời chính thức về thông tin bệnh sởi diễn biến nóng bỏng suốt thời gian qua.
Bộ Y tế không giấu thông tin dịch sởi!
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến "thị sát" tình hình điều trị bệnh nhi biến chứng nặng do sởi tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: H.Hải

103 ca tử vong là cao bất thường!

Thưa Bộ trưởng, con số Bộ Y tế vừa công bố là trên 7.000 ca mắc, 108 trường hợp tử vong khiến dư luận hoang mang bởi trước đó, Bộ Y tế luôn khẳng định số tử vong do sởi chỉ là 25 trường hợp. Việc Bộ Y tế không công khai số mắc, chết là đang giấu dịch?

Bộ Y tế không giấu giếm bất cứ một thông tin nào về dịch sởi. Chúng tôi cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch, chính xác và để kết luận, chúng tôi nghe báo cáo của các cơ sở điều trị, của các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Một thực tế cho thấy là không chỉ riêng Việt Nam mà dịch sởi có số ca mắc đang tăng vì bệnh có chu kỳ tại Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản... Tại Việt Nam hiện nay đang lặp lại chu kỳ sởi của năm 2009-2010. Tuy năm nay, tổng số mắc chưa bằng đợt dịch trước, nhưng số tử vong cao hơn.

Về con số tử vong 103 tại BV Nhi Trung ương, so với cả nước thì không cao, nhưng tập trung riêng vào bệnh viện thì số tử vong này là cao bất thường so với mọi năm. Con số này cũng không “vênh” với số tử vong mà Bộ Y tế công bố, vì trong đó có 25 ca chắc chắn tử vong hoàn toàn do sởi. Những ca còn lại là trên nền tảng bị bệnh khác và bị nhiễm sởi, hoặc mắc sởi nhẹ nhưng kèm theo các bệnh như tim bẩm sinh, não úng thủy, bại não, bệnh chuyển hóa… Dù chỉ 25 ca tử vong chắc chắn do sởi nhưng cũng là một nỗi đau đớn, chính bản thân tôi cũng thấy đau, thương xót bệnh nhi. Nếu giấu dịch Bộ Y tế đã không công bố con số này.

Bộ Y tế đưa ra lý giải như thế nào về số ca tử vong do sởi, liên quan đến sởi cao bất thường trong năm nay, lại tập trung nhiều tại tuyến điều trị cao nhất của cả nước có phải là vấn đề rất đáng ngại? Phải chăng vi rút sởi đã biến đổi ghen, tăng độc lực khiến trẻ mắc sởi diễn tiến nhanh, biến chứng nặng, thưa bà?

Tại sao số tử vong do sởi, liên quan đến sởi lại tập trung chủ yếu ở BV Nhi Trung Ương và Hà Nội? chúng tôi nhận thấy, tất cả các bệnh nhân nặng gần như tất cả của miền Bắc chỉ tập trung về Bệnh viện Nhi Trung ương, còn các bệnh viện khác rất ít, do vậy tỷ lệ tử vong tại bệnh viện này cao. Thứ hai là tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang diễn ra tình trạng quá tải vì vậy chất lượng chắc chắn sẽ khó đảm bảo, sẽ gây nên hậu quả nhiễm trùng bệnh viện. Điều này xảy ra ở tất cả các nước trên thế giới. Thế giới cũng nhận định, nếu cứ để tình trạng tập trung bệnh nhân vào một tuyến cao thì bao giờ cũng có tình trạng tử vong cao. Vì thế, hôm nay chúng tôi mời các bệnh viện đến để chia lửa và hạ hỏa bớt tình trạng quá tải bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Có giãn bệnh nhân ra thì mới giảm được tử vong.

103 ca tử vong tại BV Nhi Trung Ương với 25 ca chắc chắn do sởi là một vấn đề rất đáng lo ngại. Chính vì thế Bộ Y tế đã tổ chức rất nhiều phiên họp, hôm nay mời cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tham gia và WHO sẽ cử chuyên gia về phòng chống nhiễm khuẩn đến làm việc với Bệnh viện Nhi Trung ương và chuyên gia về vắc xin để tăng cường vận động, tăng tỷ lệ người dân tiêm vắc xin.

Còn vi rút sởi gây bệnh ở cả hai miền Nam, Bắc đều là chủng vi rút cũ chưa có sự biến đổi về gen còn độc lực có thay đổi hay không thì chưa trả lời được vì còn phải nghiên cứu.

Có con cháu mắc sởi cũng không cho vào Bệnh viện Nhi Trung ương

Thưa bà, Hà Nội chiếm đến 30% ca mắc sởi, 50% số tử vong trong cả nước. Vậy Hà Nội cũng như các bệnh viện tuyến Trung ương có phương án gì để giảm tải những nguy cơ này, thưa bà?

Để giảm số tử vong chỉ có cách giãn bệnh nhân. Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang xảy ra tình trạng có nhiều người đưa trẻ đến khám bệnh và không chịu đưa trẻ về và bệnh viện đành phải cho nhập viện. Vì vậy, chúng tôi đang đề nghị, các bệnh nhân nhẹ cho nằm riêng hẳn một chỗ, bệnh nhân nặng một khu vực riêng. Nhưng khi đã vào đến khuôn viên bệnh viện, người dân cần đeo khẩu trang, tay rửa liên tục nhằm tránh nhiễm trùng bệnh viện.

Để “hạ nhiệt” cho bệnh viện nhi, tôi cũng đề nghị Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khoa Nhi (BV Bạch Mai) cử chuyên gia xuống các bệnh viện vệ tinh như Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn hỗ trợ, người bệnh yên tâm khám chữa tại các cơ sở này.

Chúng tôi mà có con cháu đang mắc sởi cũng không cho con vào đây. Bởi thông thường bệnh sởi là bệnh nhẹ nhưng vì vào nơi quá tải sẽ rất dễ lây thêm bệnh khác. Vì thế, người dân nên đến khám ở các cơ sở nơi gần nhất, trừ các trường hợp bị bệnh nặng mới cần vào bệnh viện tuyến cuối.

Giải pháp thứ hai là chống nhiễm khuẩn bệnh viện, mở cửa thông gió tại các khu điều trị. Người dân vào viện cần rửa tay bằng nước sát khuẩn hàng ngày.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là giải pháp phòng bệnh là chính thông qua cách thức tiêm chủng bằng vắc xin là giải pháp cơ bản và lâu dài nhất. Hiện nay ngành y tế đang chỉ đạo tiêm rất nhiều đợt và chỉ định rộng rãi tiêm mũi 2, mũi 3. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 đạt rất cao (97%), nhưng mũi 2 chỉ đạt 87% nên nó không bảo vệ hoàn toàn. Ngay cả việc tiêm chủng đạt tỉ lệ 100% thì bảo vệ cũng chỉ đạt 95%.

Trong đợt dịch này, tỉ lệ không nhỏ trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi. Vậy chiến lược tiêm phòng vắc xin có thay đổi, nhắm đến đối tượng này không, thưa bà?

Có rất nhiều ý kiến về việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi. Nhưng đến hôm nay, đại diện của WHO vẫn khuyến cáo tiêm theo đúng phác đồ cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, còn tiêm cho trẻ dưới 9 tháng tuổi nguy cơ xảy ra nhiều tai biến.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hồng Hải (ghi)