Dịch sởi bất thường: Bệnh viện nói có, Bộ Y tế khẳng định không!
(Dân trí) - Các bác sĩ bệnh viện Nhi TƯ "quay cuồng" vì số bệnh nhân cũ chưa xuất viện, nhiều bệnh nhân mới biến chứng suy hô hấp viêm phổi do sởi lại nhập viện. Bộ Y tế cũng tăng cường gấp máy thở cho các bệnh viện phục vụ công tác điều trị.
Nhiều bệnh nhi biến chứng viêm phổi nguy kịch vì sởi. Ảnh: T.H
Nhiều bệnh nhi sởi nguy kịch
Trái ngược với nhận định dịch bệnh đang giảm dần của cơ quan quản lý, tại các bệnh viện, bệnh nhân sởi vẫn ùn ùn nhập viện. Nhiều ca bệnh diễn biến vô cùng nguy kịch, sự sống, cái chết của bệnh nhi mong manh trong gang tấc.
Chưa năm nào, lượng bệnh nhi phải nhập viện Nhi TƯ điều trị vì biến chứng sởi lại “kỉ lục” như năm nay với 1.000 ca mắc sởi, biến chứng nặng phải nhập viện từ đầu mùa dịch đến nay. BV Nhi TƯ không chỉ dành riêng khoa Truyền nhiễm, lấy cả phòng Phó trưởng khoa mà còn phải mượn cả khoa Đông y để điều trị bệnh nhân sởi. Tuy nhiên, không thể tránh được tình trạng nằm ghép 3-4 bệnh nhân do luôn có từ 200 - 250 bệnh nhân biến chứng nặng phải nằm viện. Trung bình mỗi ngày, khoa này tiếp nhận 30 trẻ mắc sởi. Ngày cao điểm, như ngày 10/4 đến rạng sáng 11/4 đã có 40 trẻ nhập viện trong đó có 3 ca phải hỗ trợ hô hấp bằng máy thở máy, 2 ca ngừng tuần hoàn do diễn biến bệnh nặng.
Nhiều bệnh nhân phải chung nhau một chiếc máy thở, bệnh viện phải mượn máy thở từ các khoa khác để phục vụ bệnh nhân sởi mà vẫn không xuể.
“Số lượng thì gấp đôi nhưng về công việc thì phải gấp 3 vì nhiều ca nặng, cán bộ y tế không còn lúc nghỉ ngơi”, Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi TƯ) cho biết.
PGS.TS Phạm nhật An, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương cho rằng, cường độ làm việc của các bác sĩ tại khoa Truyền nhiễm từ hơn 1 tháng không khác gì trong một vụ dịch: 12h30 trưa vẫn chưa xong việc, 9h30 tối có người vẫn chưa được ăn cơm; thức trắng đêm vì lượng bệnh nhân nặng vẫn ùn ùn nhập viện. Khoa còn phải huy động thêm 7 máy thở, 1 máy chụp XQ di động, máy siêu âm tại giường mang từ nơi khác về … để kịp thời phục vụ người bệnh.
Tại BV Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, chưa bao giờ khoa Nhi lại quá tải trầm trọng như hiện nay. Khoa chỉ có 60 giường bệnh (kể cả tự nguyện), nhưng số trẻ nằm nội trú thời gian gần đây luôn ở mức cao 100-140 trẻ. Vì thế, thường xuyên có cảnh 4-5 trẻ một giường, đợt cao điểm con số này là 7. Khu vực chơi cho trẻ cũng đã được tạm thời trưng dụng làm Phòng lưu trú bệnh nhân.
Trước diễn biến thực tế nóng bỏng của sởi tại các bệnh viện, Bộ Y tế đã phải tổ chức họp “nóng” tại BV Nhi Trung ương bàn biện pháp giảm tải, đại diện Bộ Y tế đã phải “vi hành” đến khoa Nhi (BV Bạch Mai) để thấy thực tế bệnh nhân nằm tràn hành lang, số bệnh nhân sởi nặng biến chứng suy hô hấp luôn vượt quá số máy thở, phương tiện hỗ trợ thở máy tại BV.
Số tử vong thực tế cao hơn công bố?
Về ý kiến cho rằng vi rút sởi không biến đổi gien và không tăng độc lực, PGS.TS An lại tỏ ra băn khoăn: “Nhưng năm nay sởi lại rất đặc biệt, đó là gây biến chứng viêm phổi nặng. Hiện chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm lý do xem vì sao viêm phổi do sởi lại tiến triển nặng như vậy. Bệnh nhi nhập viện bình thường, điều trị ngay nhưng diễn biến nặng lên trông thấy và nhiều bệnh nhi đã tử vong”.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, bệnh sởi năm nay cũng không bình thường như mọi năm. Kể từ ca nghi mắc sởi đầu tiên nhập viện (25/1/2014) đến nay, khoa Nhi BV Bạch Mai đã tiếp nhận 83 ca mắc sởi rất nặng phải nhập viện điều trị. Ngay trong sáng 8/4 bệnh viện phải tiếp nhận thêm 3 trẻ biến chứng viêm phổi nhập viện. Hiện có 15 trẻ có biến chứng viêm phổi nặng phải theo dõi, điều trị tích cực tại khoa.
Đặc biệt, con số tử vong được công bố 25 trường hợp trên cả nước có “vênh” với con số thực tế? Có thông tin tại BV Nhi TƯ, con số tử vong liên quan đến sởi đã vượt con số công bố này. Tuy nhiên, không một ai dám đưa ra công bố chính thức vì “không được quyền phát ngôn”.
Và mặc dù không công bố dịch vì vẫn “trong tầm kiêm soát”, nhưng Bộ Y tế lại vừa có quyết định số 1194/QĐ-BYT xuất cấp không thu tiền 30 chiếc máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia để phục vụ công tác phòng chống dịch và nhu cầu khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân nhi. Theo đó, số máy thở này 30 sẽ được cấp cho 4 bệnh viện gồm: Bệnh viện Nhi Trung ương (8 máy), Bệnh viện Bạch Mai (10 máy), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (8 máy) và Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội (4 máy).
Các chuyên gia cho rằng Bộ Y tế cần có nhìn nhận, đánh giá về tình hình bệnh sởi hiện tại. Những bất thường về dịch bệnh với nhiều ca nặng, diễn biến bất thường là thực tế đang xảy ra tại các bệnh viện. Bản thân các bác sĩ đang phải làm việc trong tình trạng vô cùng áp lực vì quá tải, không khác gì chăm sóc bệnh nhân trong một vụ dịch. Vì thế, ít nhất phải công nhận dịch sởi tại khu vực bệnh viện.
Tú Anh