Bộ Y tế đốc thúc các tỉnh quyết liệt giảm tỉ lệ tử vong do Covid-19

Nam Phương

(Dân trí) - Ngày 5/9, Bộ Y tế có công điện đề nghị UBND TPHCM và các tỉnh phía Nam quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19 gồm chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo chuyên môn…

Theo đó, trong thời gian qua, tình hình tử vong do Covid-19 trên địa bàn TP và các tỉnh phía Nam đã có chuyển biến song còn chậm. Vì thế, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM, các tỉnh phía Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung tăng cường hiệu quả công tác điều trị.

Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh đến vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin…

Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải đảm bảo thiết lập đủ cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên cơ sở diễn biến và dự báo tình hình dịch tại địa phương. Trong đó, xây dựng theo mô hình tháp 3 tầng, huy động cả cơ sở y tế tư nhân. Trong trường hợp vượt quá năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở địa phương thì cần nâng cao vai trò của trạm y tế và thành lập trạm y tế lưu động, tổ cộng đồng để quản lý, điều trị người nhiễm SARS- CoV-2 tại nhà.

Bộ cũng lưu ý củng cố hoạt động của hệ thống cấp cứu 115, xe vận chuyển người bệnh.

Về vấn đề trang thiết bị cấp cứu. hồi sức tích cực, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc…, các đại phương cần chuẩn bị đầy đủ, đặc biệt chuẩn bị cho tình huống xấu/nghiêm trọng xảy ra trong thời gian sớm nhất.

Bộ Y tế đốc thúc các tỉnh quyết liệt giảm tỉ lệ tử vong do Covid-19 - 1

Ảnh minh họa: Hữu Khoa.

Theo đó, tầng một bảo đảm tối thiểu có chai oxy khí đáp ứng nhu cầu xử trí cấp cứu cho người bệnh thở oxy qua mặt nạ, thở oxy gọng kính. Tầng 2 bảo đảm tối thiểu có máy thở oxy dòng cao, máy thở không xâm nhập, chai oxy khí, bình oxy lỏng, đường khí nén… để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh. Tầng 3 bảo đảm tối thiểu có máy thở oxy dòng cao, máy thở không xâm nhập và xâm nhập, bồn oxy lỏng, đường khí nén… để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh nặng và nguy kịch.

Bên cạnh đó, cũng cần chuẩn bị kịp thời các gói an sinh, gói thuốc điều trị ngoại trú khi điều trị người bệnh tại nhà.

Về vấn đề nhân lực, các địa phương chủ động rà soát nguồn nhân lực, lập kế hoạch đào tạo, huy động nhân lực phù hợp, đào tạo cho bác sĩ về chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu xử trí, cấp cứu, điều trị cho người bệnh tại cơ sở tầng 1, 2, 3 (tối thiểu các kỹ thuật cấp cứu cơ bản, truyền nhiễm, nội khoa cho bác sĩ tại tầng 1, 2 và kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao cho các bác sĩ hồi sức tích cực tại tầng 3), đào đạo điều dưỡng… 

Về vấn đề chăm sóc và điều trị Covid-19, bộ Y tế lưu ý cập nhật và triển khai các hướng dẫn chẩn đoán, chăm sóc và điều trị của Bộ Y tế đã ban hành, chú ý vấn đề phân loại bệnh nhân và theo dõi sát, phát hiện sớm và kịp thời các dấu hiệu diễn biến nặng của từng người bệnh, xử trí cấp cứu tại chỗ, liên hệ chuyển viện, hạn chế tối đa trường hợp tử vong tại cơ sở ở tầng 1, 2 hoặc trên đường vận chuyển.

Ở tầng 3, Bộ Y tế lưu ý quan tâm cung cấp đủ lượng nước đưa vào cơ thể và bảo đảm chế độ dinh dưỡng, chế độ chăm sóc và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh và nhân viên. Đồng thời, tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa; thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác điều trị, chăm sóc tại 3 tầng và báo cáo Sở Y tế tỉnh, thành phố và Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM và các tỉnh phía Nam tăng cường kiểm tra, đôn đốc; động viên khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt hoặc phê bình tập thể, cá nhân không thực hiện tốt.

Đến tối 4/9, Việt Nam đã có 511.170 ca mắc Covid-19, đứng thứ 52/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca mắc trên một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 5.199 ca mắc).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam đến nay là 12.793 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%). 

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4