Bộ Y tế chính thức đưa Molnupiravir vào phác đồ điều trị Covid-19

Nam Phương

(Dân trí) - Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn mới nhất về chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó bổ sung các thuốc kháng virus, kháng thể kháng virus, ức thế IL-6...

Đây là hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 cập nhật lần thứ 7, thay thế phiên bản vừa ban hành vào tháng 7. 

Về triệu chứng lâm sàng bệnh Covid-19, hướng dẫn lần này cập nhật các triệu chứng liên quan đến biến thể Delta. Cụ thể, thời gian ủ bệnh của biến thể Delta ngắn hơn, với các biểu hiện như đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, ỉa chảy, khó thở, đau cơ.

Trong khi đó, với thể Alpha, người bệnh có các biểu hiện sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau đầu. Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất vị giác và khứu giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng… 

80% các trường hợp nhiễm thể Alpha có triệu chứng nhẹ, 20% bệnh nhân diễn biến nặng và 5% cần phải điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với biểu hiện suy hô hấp cấp, tổn thương phổi do Covid-19, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng cơ quan... và dẫn đến tử vong.

Đối với thể Delta, tỷ lệ nhập viện, nhập ICU (Hồi sức cấp cứu) và tử vong tăng hơn trước. Chủng Delta liên quan đến tăng mức độ nặng của bệnh, biểu hiện bởi tăng nhu cầu oxy, nhập ICU hoặc tử vong so với những chủng khác. Chủng này cũng có tải lượng virus cao hơn 1.260 lần và khả năng lây cao hơn 15-20% so với các chủng khác.

Bộ Y tế chính thức đưa Molnupiravir vào phác đồ điều trị Covid-19 - 1

Về điều trị, hướng dẫn lần này bổ sung thuốc kháng virus, kháng thể kháng virus, ức chế IL-6 nếu đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất một nước trên thế giới, với thông tin đầy đủ về chỉ định, chống chỉ định, liều dùng. Trong đó, Bộ Y tế chính thức đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào phác đồ.

Cụ thể, trong khi Remdesivir được chỉ định dùng cho bệnh nhân nội trú thì Molnupiravir được chỉ định cho bệnh nhân nhẹ. Thuốc này chống chỉ định với phụ nữ có thai, phụ nữ đang kế hoạch có thai, người dưới 18 tuổi, suy gan, suy thận nặng, phụ nữ cho con bú. Thời gian điều trị là 7-14 ngày.

Kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Đặc biệt, thuốc giúp giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong. Tại Việt Nam, thuốc được nghiên cứu thử nghiệm tại cơ sở y tế trước, sau đó thí điểm tại cộng đồng tại TPHCM (được phát trong gói thuốc điều trị tại nhà cho các F0).

Đồng thời, Bộ Y tế cũng lưu ý vấn đề điều trị dự phòng sớm bằng corticoid, chống đông máu.

Về tiêu chuẩn xuất viện, hướng dẫn lần này cũng giảm số lần xét nghiệm RT-PCR xuống còn một lần, không xét nghiệm sau khi ra viện trong thời gian theo dõi tại nhà. Khi về nhà người bệnh chỉ thực hiện theo dõi tại nhà, chỉ yêu cầu cách ly y tế với những trường hợp có xét nghiệm dương tính kéo dài và phải cách ly tại cơ sở y tế 21 ngày trở lên.

Đặc biệt, hướng dẫn lần này bổ sung một số phụ lục hướng dẫn chuyên môn liên quan về dinh dưỡng, phục hồi chức năng, rối loạn tâm lý, thông khí nhân tạo, kháng sinh….

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4