1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ Y tế bác thông tin "Covid-19 là vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ"

Nam Phương

(Dân trí) - Trên mạng xã hội đang lan truyền đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp về nghiên cứu của Singapore cho rằng Covid-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người.

Theo nội dung tin nhắn, đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi của các bệnh nhân tử vong do Covid-19. Người ta phát hiện ra rằng Covid-19 không tồn tại dưới dạng virus mà là một loại vi khuẩn nhiễm phóng xạ và làm đông máu để gây ra cái chết cho con người.

Bộ Y tế bác thông tin Covid-19 là vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ - 1

Thông tin sai sự thật đang được lan truyền trên mạng xã hội.

Khi biết được nghiên cứu này, Bộ Y tế Singapore đã ngay lập tức thay đổi kế hoạch điều trị bằng Covid-19 và dùng aspirin cho những bệnh nhân dương tính của mình. Kết quả là các bệnh nhân bắt đầu hồi phục và sức khỏe của họ bắt đầu được cải thiện. Bộ Y tế Singapore đã sơ tán hơn 14.000 bệnh nhân trong một ngày và đưa họ về nhà.

Không những thế, tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...

Bộ Y tế khẳng định đây là thông tin sai sự thật. Bộ Y tế không đưa ra thông tin và khuyến cáo như vậy.

Virus SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (như qua giọt bắn, hạt khí dung, không khí) và qua đường tiếp xúc. Virus cũng có khả năng lây truyền cao tại các cơ sở y tế, những nơi đông người và ở không gian kín. Bên cạnh đó, virus cũng liên tục biến đổi tạo ra nhiều biến thể khác nhau trên toàn thế giới làm cho khả năng lây lan mạnh hơn và khó kiểm soát hơn.

Người bệnh Covid-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm. Cơ chế bệnh sinh của bệnh có vai trò của "cơn bão cytokine" và huyết khối mao mạch phổi trong các ca bệnh có suy hô hấp nặng và nguy kịch.

Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là tiêm phòng vắc xin, phát hiện sớm và cách ly ca bệnh.