Bộ Y tế: 4 bệnh viện “knock-out” khi vừa vào trận đánh Covid-19 là bài học!

Minh Nhật

(Dân trí) - "Vừa mới vào trận đánh thì 4 bệnh viện lớn của thành phố Đà Nẵng đã bị “knock-out”, như vậy gây ra rất nhiều khó khăn cho chính lực lượng điều trị" - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhận định.

Nhiều khó khăn khi bệnh viện bị phong tỏa

Tại buổi tọa đàm "Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch Covid-19", PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế.

Bộ Y tế: 4 bệnh viện “knock-out” khi vừa vào trận đánh Covid-19 là bài học! - 1

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh

Ông nhận định việc các cơ sở y tế lớn bị phong tỏa ngay khi dịch vừa bùng phát, vì ghi nhận ca bệnh, là bài học cho công tác chống dịch Covid-19.

“Ở giai đoạn 1, bước vào cuộc chiến thì Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hồng Ngọc đã bị phong tỏa. Lần này, vừa mới vào trận đánh thì 4 bệnh viện lớn của thành phố Đà Nẵng là Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình cũng đã bị “knock-out”, như vậy gây ra rất nhiều khó khăn cho chính lực lượng điều trị” - Cục trưởng Khuê nhấn mạnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhận định, trái ngược với việc chủ động cách ly để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nếu bị động như các bệnh viện trên thì sẽ rất khó khăn trong công tác chống dịch, vì nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và bệnh nhân là rất lớn.

Bộ Y tế: 4 bệnh viện “knock-out” khi vừa vào trận đánh Covid-19 là bài học! - 2

4 bệnh viện lớn của Đà Nẵng đã bị phong tỏa vì ghi nhận ca mắc Covid-19

Theo ông, hiện tại chúng ta chưa tìm thấy F0 nên tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm công tác kiểm soát. Thấy người bệnh có triệu chứng ho, sốt, khó thở hoặc dịch tễ có liên quan đến Đà Nẵng thì phải tổ chức cách ly và xét nghiệm ngay. Bên cạnh đó, phải chủ động tuyên truyền cho các bệnh nhân đến khám tuân thủ giãn cách và đeo khẩu trang, đây đều là những biện pháp cực kì quan trọng để ngăn chặn bệnh lây lan.

Tới đây, ngành y tế sẽ tăng cường kiểm tra, tất cả những đơn vị lơ là trong công tác chuyên môn, không đảm bảo nguyên tắc an toàn sẽ bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí là đình chỉ hoạt động.

Quan tâm hơn đến người cao tuổi, mắc bệnh mạn tính

Từ thực tế, 8 trường hợp tử vong do Covid-19 tại Việt Nam đều thuộc nhóm nguy cơ cao: người cao tuổi, người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy tim, suy thận, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh việc phải tăng cường sự quan tâm với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này. 

Bộ Y tế: 4 bệnh viện “knock-out” khi vừa vào trận đánh Covid-19 là bài học! - 3

Ông dẫn chứng: "Tại Đà Nẵng, hiện đang có đến 400 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, có người đã chạy 10 năm, 20 năm nên thể trạng đã suy kiệt. Chỉ cần 1 đợt cúm nhẹ chứ chưa nói đến mắc Covid-19 thì cũng đã rất nguy hiểm đến tính mạng". 

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã ban hành văn bản hướng dẫn dành cho 3 nhóm đối tượng:

- Khuyến cáo đối tượng bệnh nhân người cao tuổi tránh tiếp xúc.

- Làm việc với Bảo hiểm Việt Nam để cho phép những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính kê khai thuốc 3 tháng, nhằm giảm thiểu tần suất đến bệnh viện, giảm nguy cơ lây nhiễm.

- Hệ thống y tế xã phường tích cực theo dõi quan tâm đến các hộ gia đình, nhất là đối tượng người khuyết tật.

Những biện pháp này được kì vọng giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan cho các đối tượng có rủi ro cao, trong bối cảnh dịch đã lây lan cộng đồng và chưa tìm thấy F0.

Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh nhận định, dịch đã tấn công vào các khu vực có bệnh nhân nặng như khoa Hồi sức tích cực, khoa Ung bướu, nơi điều trị bệnh nhân suy thận, suy tim. Hiện có 20 bệnh nhân Covid-19 nặng. Do đó, số lượng ca tử vong có thể sẽ còn tăng lên nhiều trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lời kêu gọi của Tổng bí thư, của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 chúng ta sẽ quyết tâm chiến thắng.