Bộ trưởng Y tế thị sát khu vực sống của thai phụ nhiễm Zika
(Dân trí) - Ngay sau khi xác định ca bệnh tại TPHCM đang mang thai 8 tuần, sáng 5/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp thị sát, kiểm tra đột xuất nơi bệnh nhân sống và làm việc.
Trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút Zika tại TPHCM được xác định là Phạm Thị Hương L. (34 tuổi, ngụ tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2). Ngay sau khi xác định ca bệnh này, sáng 5/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp thị sát, kiểm tra đột xuất nơi bệnh nhân sống và làm việc.
Tại tòa nhà PetroVietNam (đường Lê Duẩn, quận 1), nơi bệnh nhân đang làm việc trong một công ty, Bộ trưởng cùng đoàn đã nghe báo cáo về công tác phòng muỗi và côn trùng tại đây. Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, đại diện quản lý, điều hành tòa nhà cho hay, tại đây hiện có tổng cộng 21 công ty với khoảng 1.200 nhân viên đang làm việc. Dù không có công ty nước ngoài nhưng tòa nhà thường xuyên đón tiếp khách nước ngoài qua lại.
Sau khi được thông báo về sự xuất hiện của ca bệnh Zika trên, ngành y tế thành phố đã đến thực hiện công tác kiểm tra. Theo đó, tòa nhà này đã thực hiện nhiệm vụ phòng chống muỗi và côn trùng theo đúng định kỳ. Việc diệt muỗi và côn trùng được triển khai ở cả tầng nổi lẫn khu vực các tầng hầm và đường cống.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur thành phố cho hay, qua điều tra dịch tễ, chúng tôi xác định nữ bệnh nhân dương tính với Zika hiện đang mang thai 8 tuần tuổi. Điều tra dịch tễ ban đầu ghi nhận, bệnh nhân có chồng công tác trong lĩnh vực dầu khí, đang làm việc tại Malaysia. Chồng của chị vừa về nước từ 16-19/3 và đã trở lại Malaysia.
Thông tin từ bệnh nhân chia sẻ, suốt quãng thời gian chồng về nước, hai người không có "quan hệ vợ chồng" nên bước đầu tạm loại trừ nguyên nhân Zika lây nhiễm qua con đường này. Chủng vi rút Zika được xác định cùng chủng loại vi rút được phát hiện tại Brazil. Vì thế, nhiều khả năng ca bệnh này có thể mang yếu tố ngoại lai. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân và nguồn lây nhiễm không đơn giản.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Kim Tiến nhận định, dù nguyên nhân nhiễm bệnh tại tòa nhà là rất thấp nhưng không thể loại trừ. Trước mắt, ngành y tế thành phố phải thực hiện công tác phun hóa chất diệt muỗi trong tòa nhà và các khu vực lân cận gồm những tòa nhà hành chính, nhà dân quanh khu vực, bên cạnh đó toàn bộ khuôn viên của công viên Thảo Cầm Viên (cạnh tòa nhà) cần phải được phun hóa chất diệt muỗi, nhanh chóng kiểm soát, không để bệnh lây lan trên diện rộng. Ngành y tế phải chủ động chuẩn bị thuốc và vật tư y tế, sẵn sàng thu dung và điều trị các trường hợp khác nếu ca bệnh xuất hiện.
Sau khi thị sát thực tế nơi làm việc của bệnh nhân, Bộ trưởng Kim Tiến cùng đoàn đã đến kiểm tra thực địa tại gia đình và khu vực bệnh nhân sinh sống. Thực tế ghi nhận, tại địa phương, công tác vệ sinh môi trường và diệt muỗi diễn ra định kỳ, mật độ muỗi và lăng quăng lưu hành với mức độ thấp.
Cha bệnh nhân là ông Phạm Tuấn K. (SN: 1939) cho hay: Thời gian gần đây con gái tôi không đi nước ngoài và cũng không đến các địa phương khác mà chủ yếu ở nhà và đến nơi làm việc. Khoảng 1 tuần trước, con của Hương L. là bé Đỗ Minh Q. (3 tuổi) bị sốt cao, hiện cháu đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, khi con bé dần lui bệnh thì mẹ nó cũng có biểu hiện mệt mỏi. Gia đình tôi cứ nghĩ Hương L. chỉ bệnh thông thường nhưng không ngờ đi kiểm tra lại phát hiện mắc Zika. Chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của Hương L. và thai nhi. Rất mong ngành y tế quan tâm hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe để con cháu tôi được “mẹ tròn con vuông”.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo các bệnh viện, đơn vị y tế có liên quan cần quan tâm, theo dõi và tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho thai phụ. Mặt khác, cần phải thực hiện lấy lại mẫu máu của con bệnh nhân, thực hiện các xét nghiệm tầm soát khác để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế TPHCM chủ động trong công tác tiếp cận, tư vấn chuyên môn cho bệnh nhân để người bệnh ổn định tâm lý. Mặt khác, bác sĩ cần định hướng để bệnh nhân đến kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại các bệnh viện sản nhi. Trong quá trình chăm sóc cho người bệnh, Bộ trưởng yêu cầu bệnh viện nơi chị Hương L. đến thăm khám phải theo dõi thường xuyên, liên tục tình trạng sức khỏe, đặc biệt là tật đầu nhỏ ở trẻ (nếu có) để kịp thời và chủ động xử lý trong mọi tình huống.
Vân Sơn