1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ NN và PTNN: "Chúng tôi không nhập chất cấm”

(Dân trí) - Sau khi có thông tin Bộ NN và PTNN cho nhập nguyên liệu giúp tăng quá trình tổng hợp protein, kích thích sinh trưởng có chất cấm, trao đổi qua điện thoại với Dân trí, đại diện Bộ khẳng định: "Không có chuyện Bộ NN&PTNT lại cấp phép nhập chất cấm".

Bộ NN và PTNN: Chúng tôi không nhập chất cấm”
“Chất cấm” từ đạm đỗ tương?

Chiều 11/4, ông Phạm Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định: “Gold Protein Peptide (SSI) là chất được phép sử dụng trong chăn nuôi và có trong danh mục cho nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2005. Chất này hoàn toàn không phải chất cấm mà chỉ là chất đạm đỗ tương bình thường, rất tốt cho chăn nuôi gia súc gia cầm”.

“Trong danh mục thức ăn chăn nuôi có ghi công dụng là 'tăng quá trình tổng hợp protein, kích thích tăng trưởng', từ kích thích tăng trưởng ở đây có nghĩa là chất kích thích cho con vật ăn ngon miệng mà không gây tác hại, để lại hậu quả gì xấu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khoẻ con người chứ không phải cứ thức ăn kích thích tăng trưởng lại là chất cấm”, ông Dương giải thích thêm.

Liên quan đến việc phát hiện có chất cấm là chất tạo nạc trong loại nguyên liệu này, ông Dương cho rằng, nguyên liệu được nhập vào là được phép, là chất đạm đỗ tương. Nhưng khi vào Việt Nam, ai đó trộn thêm chất cấm (không chỉ riêng chất tạo nạc mà còn có thể có rất nhiều loại khác) để bán cho dân lại là vấn đề khác. Lúc này, sản phẩm được trộn thêm tức là đã là làm giả, là vi phạm pháp luật. Còn nếu những nhóm nguyên liệu có chứa chất cấm như SSI, nếu đúng là có từ nguồn nhập khẩu thì 100% các lô hàng này phải lấy mẫu kiểm tra.

Sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát

Ông Dương cho biết thêm, mọi nguyên liệu có trong danh mục thức ăn chăn nuôi mà Bộ NN & PTNT ban hành đều được phép nhập vào Việt Nam. Và khi tiến hành nhập các nguyên liệu này thì doanh nghiệp nhập khẩu không phải xin phép các cơ quan quản lý Nhà nước nữa. Khi vào Việt Nam, các nguyên liệu này sẽ được kiểm tra hậu kiểm theo đúng quy định.

Tuy nhiên, việc này vẫn tiềm ẩn rủi ro nếu các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi này có thể bị nhiễm hoặc sử dụng chất cấm trước khi nhập vào Việt Nam. “Vì thế, theo quan điểm của tôi, là phải kiểm soát hay giám sát tất cả, chứ không chỉ riêng SSI. Và chất cấm cũng phải quan tâm rộng ra, không chỉ có chất tạo nạc mà nhiều chất khác.

Dù rất khó khăn vì nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập vào Việt Nam rất lớn, khoảng 9-10 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm nhưng chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát, tăng cường lấy mẫu kiểu soát ngẫu nhiên.

Ông Dương cũng chia sẻ, từ vụ việc chất siêu nạc này, ngành sẽ phải làm mạnh, làm mạnh hơn, kiểm soát chặt hơn nữa vì tình trạng sử dụng chất cấm đang có rất nhiều nguy cơ, không chỉ diễn ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà cả ở các hộ chăn nuôi công nghiệp. Hiện Cục chăn nuôi vẫn đang chỉ đạo các địa phương tổ chức lấy mẫu để kiểm tra, giám sát. Chúng tôi sẽ tổng kiểm tra toàn bộ thức ăn chăn nuôi bổ sung, cơ sở bán thuốc thú y, đây là những nơi có thể lợi dụng để bán chất cấm tạo nạc. Tiếp tục lấy thêm mẫu để phân tích. Quan điểm của chúng tôi là tìm ra những đường dây, doanh nghiệp nào đang kinh doanh, buôn bán loại chất cấm phải xử lý nghiêm khắc.

“Qua sự việc này, ngoài kiểm tra các cơ sở sản xuất chăn nuôi nội địa, chúng tôi sẽ đề xuất mở rộng kiểm tra các nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu”, ông Dương nói.

Hồng Hải