1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Biến chứng hiểm khiến sản phụ 21 tuổi tưởng đã khỏe bỗng nguy kịch

Hoàng Lê

(Dân trí) - Khi các dấu hiệu sinh tồn đã ổn định, người mẹ 21 tuổi mới sinh vài giờ bỗng vã mồ hôi, tụt huyết áp và nguy kịch tính mạng.

Chị B.T.K.T. (21 tuổi, quê Long An) nhập viện để theo dõi sinh thường khi thai hơn 38 tuần tuổi. Bé gái chào đời khỏe mạnh với cân nặng 3,3kg nhưng tử cung của sản phụ gò kém, nên tua trực tiến hành tiêm thuốc gò tử cung tối đa, thắt động mạch cổ tử cung hai bên.

Sau đó, các bác sĩ hướng dẫn sản phụ xoa đáy tử cung tích cực sau sinh. Khoảng một giờ sau, ekip điều trị thấy huyết âm đạo của người mẹ ra lượng vừa, cơ tử cung gò khá, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân ổn định.

Tuy nhiên 2 giờ sau đó, bệnh nhân bất ngờ than mệt, vã mồ hôi, da niêm hồng nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt. Lúc này kiểm tra lại, các bác sĩ phát hiện tử cung bệnh nhân mềm nhão, âm đạo có huyết cục lẫn huyết loãng, đồng thời mất thêm khoảng 800ml máu.

Biến chứng hiểm khiến sản phụ 21 tuổi tưởng đã khỏe bỗng nguy kịch - 1

Sản phụ T. tại bệnh viện (Ảnh: BV).

Ngay lập tức, tua trực báo động đỏ về tình trạng sốc mất máu do đờ tử cung của bệnh nhân, trình ban lãnh đạo khoa về tình huống bất ngờ. Trưởng tua trực thống nhất hội chẩn cùng bác sĩ gây mê hồi sức để chuyển sản phụ vào phòng mổ truyền máu, hồi sức và kiểm tra lại tầng sinh môn, âm đạo, cổ tử cung.

Tại khoa Gây mê hồi sức, bệnh nhân được lấy thêm nhiều đường truyền tĩnh mạch, truyền tổng cộng 5 đơn vị hồng cầu lắng và huyết tương tươi, đặt bóng chèn tử cung và tiếp tục dùng thuốc co hồi tử cung. Sau khoảng 60 phút hồi sức, bệnh nhân tỉnh táo hơn, nhịp tim và huyết áp dần trở về mức thông thường, tử cung co hồi từng đợt.

Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát sao trong 4 giờ hồi sức. Khi tình trạng tạm thời ổn định, người mẹ trẻ được chuyển về khoa Sản để tiếp tục theo dõi, duy trì thuốc co hồi tử cung và cầm máu liên tục trong ngày.

Sau hai ngày can thiệp, tình trạng bệnh nhân ổn định, ăn uống và đi lại bình thường, các xét nghiệm đông cầm máu dần ổn định. Hiện tại, bệnh nhân đã được xuất viện về với gia đình.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Chuyền, Trưởng khoa Sản phụ cho biết, đờ tử cung là một trong những biến chứng nguy hiểm đối với bà mẹ sau sinh. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân rất dễ dẫn đến băng huyết nặng, rơi vào rối loạn đông cầm máu, suy đa cơ quan, đồng thời nguy cơ cắt tử cung rất cao.

Biến chứng hiểm khiến sản phụ 21 tuổi tưởng đã khỏe bỗng nguy kịch - 2

Ngay khi chị L. vào viện, các bác sĩ đã khẩn trương chuyển bệnh nhân vào phòng mổ (Ảnh: BV).

Trước đó, một sản phụ tên H.T.L. (40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) khi gần sinh thì phát hiện sa dây rốn trong âm đạo. Trong quá trình được chuyển về bệnh viện trên xe cấp cứu, nữ hộ sinh đã mang găng vô trùng đẩy đầu thai nhi lên, tránh gây chèn ép dây rốn dẫn đến suy thai cấp.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, để vừa gây mê vừa mổ bắt em bé. Trong vòng ba phút, bé trai nặng 3kg đã cất tiếng khóc chào đời. Sau hai mươi phút, cuộc phẫu thuật thành công tốt đẹp, giữ được tính mạng 2 mẹ con.

Theo bác sĩ điều trị, sa dây rốn là một trường hợp cấp cứu tối khẩn trong sản khoa. Nếu không được xử trí kịp thời,  nguy cơ tử vong thai nhi sẽ xảy ra rất nhanh, thời gian chỉ tính bằng phút.

Biến chứng hiểm khiến sản phụ 21 tuổi tưởng đã khỏe bỗng nguy kịch - 3

Con sản phụ bị biến chứng sa dây rốn chào đời an toàn (Ảnh: BV).

Từ những trường hợp biến chứng sản khoa đến bất ngờ, chớp nhoáng nêu trên, các bác sĩ khuyến cáo, sản phụ được xác định nằm trong nhóm nguy cơ cao (như đa ối, thai to, ngôi không thuận...) cần được theo dõi kỹ lưỡng để kịp thời can thiệp khi có biến cố nguy hiểm.

Các bà mẹ ở những tuần cuối thai kỳ nên thăm khám thường xuyên theo lịch hẹn, nhằm phát hiện sớm bất thường của thai nhi. Với những trường hợp có dấu hiệu chuyển dạ, cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Sản để được theo dõi sát các biến chứng nguy hiểm trong và sau sinh.