1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bị tạt axit, mổ 30 lần vẫn chưa phục hồi

Nạn nhân của các vụ tạt axit không chỉ bị hủy hoại thân xác mà còn tàn phá tinh thần, ám ảnh, đau đớn suốt phần đời còn lại bởi cơn ác mộng hình hài.

Mù mắt, mất mũi

Hậu quả kinh hoàng sau các vụ tạt axit khiến dư luận không khỏi rùng mình. Nạn nhân mới nhất là nữ sinh xinh đẹp Hoàng Tăng Thị Thu H. (20 tuổi, sinh viên trường CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam). H. bị bỏng nghiêm trọng vùng đầu mặt, mắt trái bỏng độ 3-4, mắt phải bỏng độ 2-3, tiên lượng khó giữ được.

Cũng tại TP.HCM cách đây 2 năm, từng xảy ra vụ tạt axit tại quận Gò Vấp khiến cả gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ bị bỏng nặng. Vụ khác xảy ra tại Q.5 vào năm 2013 khiến 6 người bị thương. Còn vụ tạt axit khủng khiếp nhất đến nay xảy ra tại Đồng Nai khiến 8 người bị thương, 1 người tử vong...

Cánh tay bị hoại tử do taxit H2SO4
Cánh tay bị hoại tử do taxit H2SO4

BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, thủ phạm của các vụ tạt axit thường nhắm vào đầu, cổ, mặt của nạn nhân nên rất nhiều người đã mù mắt, cụt mũi, cụt vành tai vĩnh viễn, có trường hợp bị điếc.

"Axit đậm đặc khi bị bắn vào cơ thể đến đâu sẽ phá hủy da, gân, mỡ, làm vón cục protein đến đó. Nếu bị dính axit ở những khu vực như đầu gối, mu bàn chân, ngón chân, ngón tay... axit có thể ăn mòn cả sụn đến tổ chức xương. Nếu bị phủ lên đầu, có thể phá hủy một phần hộp sọ. Để xử lý, bác sĩ sẽ phải gọt bỏ toàn bộ phần hoại tử", BS Thống thông tin.

Theo BS Thống, nạn nhân bỏng axit thường bỏng lan rộng và rất sâu. Bệnh nhân sẽ phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn nhưng vẫn sẽ để lại di chứng hết sức nặng nề do sẹo biến dạng, sẹo co rút. Nhiều bệnh nhân nặng phải nằm lại viện 3-4 tháng.

Một bệnh nhân nam bị bỏng axit kéo dài từ mặt xuống vai trái
Một bệnh nhân nam bị bỏng axit kéo dài từ mặt xuống vai trái

Dẫn chứng cụ thể về sức hủy hoại khủng khiếp của bỏng axit, BS Thống trực tiếp dẫn gặp bệnh nhân Nguyễn Văn N. (Đan Phượng, Hà Nội). Anh N. bị bỏng do axit sunfuric H2SO4 bị rò trong quá trình lao động. Hậu quả 25% cơ thể của anh N. bị bỏng sâu độ 4, mạch máu, gân bị đông vón đen sì.

Bệnh nhân phải dùng thuốc chống sốc, chống nhiễm trùng. Đến sáng 31/3, anh N. đã được phẫu thuật, rạch lấy phần hoại tử. Sau khi lành, bệnh nhân sẽ phải trải qua qua ít nhất 2 lần ghép da nữa.

Chỉ hồi phục 70-80%

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn cũng cho biết, những năm qua, khoa thực hiện phẫu thuật cho hàng chục trường hợp bị bỏng axit nặng từ khắp nơi chuyển về.

"Bỏng axit rất phức tạp, phá hủy toàn bộ diện mạo cơ thể, do đó việc phục hồi lại hình dáng ban đầu rất khó", GS Thiết Sơn chia sẻ.

GS Sơn dẫn chứng, có những bệnh nhân bỏng axit phẫu thuật 20-30 lần, triền miên năm này qua năm khác, sử dụng hàng loạt kỹ thuật như vi phẫu, giãn da, ghép da... nhưng kết quả chỉ được 70-80%. Trong đó khó tái tạo nhất là các biến dạng ở vành tai, mũi, mắt, môi.

Bệnh nhân Nguyễn Văn V. trước và sau khi trải qua 8 lần phẫu thuật
Bệnh nhân Nguyễn Văn V. trước và sau khi trải qua 8 lần phẫu thuật

Gần đây nhất, khoa phẫu thuật cho bệnh nhân Nguyễn Văn V. (30 tuổi, Đà Nẵng). Anh V. bị tạt axit trên đường đi giao hàng.

Do bị tạt trực diện, toàn bộ khuôn mặt anh V. bị biến dạng hoàn toàn. Mũi và tai trái bị mòn cụt, 2 mắt bị mù, mí mắt dính chặt vào nhau, phần trán trái kéo lên giữa nửa đầu bị tróc da, mất toàn bộ tóc... Những ngày đầu bệnh nhân rất khó ăn uống và nói chuyện.

Anh V. chia sẻ mong muốn được làm massage tại cơ sở dành cho người khiếm thị nhưng vì diện mạo "kì quái", lo đeo khẩu trang khách hàng vẫn hoảng sợ nên anh lần lữa mãi không dám nộp hồ sơ.

Đến nay sau 8 lần phẫu thuật, hiện anh V. đã được bác sĩ tái tạo lại phần sống mũi, chân mày, cằm và tự tin đi xin việc.

"Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân V. mới chỉ phục hồi được khoảng 40% diện mạo nên chúng tôi sẽ phải tiến hành thêm nhiều cuộc phẫu thuật nữa cho đến khi đạt 70%", GS Thiết Sơn chia sẻ.

Theo GS, với những bệnh nhân bỏng axit nặng, đau đớn sau các cuộc phẫu thuật không bằng đau đớn về tinh thần do mặc cảm về ngoại hình. Ban đầu, các bệnh nhân đều rất sốc, cần thời gian dài để họ bình tâm và chấp nhận gương mặt mới của mình.

Theo T.Hạnh

Vietnamnet