Bị nhân tuyến giáp có thể điều trị bằng những phương pháp nào?
(Dân trí) - Nhân tuyến giáp là tổn thương dạng khối u nằm ở tuyến giáp, làm thay đổi cấu trúc và chức năng của tuyến giáp.
Theo Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội, nếu không điều trị nhân tuyến giáp dứt điểm sẽ có nguy cơ phát triển thành ung thư.
Dưới đây là 6 phương pháp diệt tận gốc nhân tuyến giáp được áp dụng tại các bệnh viện lớn hiện nay:
Điều trị nhân tuyến giáp bằng Thyroxine
Sử dụng Thyroxine để điều trị nhân tuyến giáp là phương pháp nhằm mục đích ức chế sự phát triển của nhân. Phương pháp này được áp dụng cho bệnh nhân trẻ tuổi, nhân tuyến giáp nhỏ, sau khi khám sàng lọc không có dấu hiệu phát triển thành u ác tính.
Nhược điểm của điều trị bằng Thyroxine đó là phương pháp này có nguy cơ làm giảm mật độ xương, gây loãng xương cho người bệnh. Nhân tuyến giáp vẫn có thể tái phát sau khi điều trị. Thyroxine chống chỉ định cho người trên 60 tuổi, người có tiền sử bệnh tim mạch, chỉ số TSH thấp, nhân tuyến giáp có kích thước lớn.
Điều trị nhân tuyến giáp bằng phương pháp phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật được chỉ định áp dụng cho bệnh nhân có bướu nhân tuyến giáp lớn, chèn ép lên khí quản và thanh quản. Nhân tuyến giáp sau khi xét nghiệm phát hiện tế bào ung thư cũng được chỉ định phẫu thuật. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán mắc K giáp thì sẽ được phẫu thuật hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn tuyến giáp. Nếu nhân to nhưng lành tính thì các bác sĩ sẽ phẫu thuật bán phần tuyến giáp.
Điều trị nhân tuyến giáp bằng phương pháp phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật và chuyên môn cao. Vì vậy người bệnh sẽ được các bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm điều trị.
Dùng I-ốt phóng xạ điều trị nhân tuyến giáp
Điều trị nhân tuyến giáp bằng I-ốt phóng xạ được áp dụng cho bệnh nhân có bướu nhân hoạt động hoặc kèm theo cường giáp. Phương pháp này tuyệt đối không được sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Phương pháp này có tỷ lệ biến chứng cao. Có khoảng 10% bệnh nhân sau 5 năm điều trị bị suy giáp. Một số khác gặp tình trạng viêm tuyến giáp hoặc nhiễm độc phóng xạ. Để tránh tối đa biến chứng sau khi điều trị bằng I-ốt phóng xạ, người bệnh sau khi điều trị cần tái khám thường xuyên để theo dõi. Nếu có triệu chứng bất thường như sờ thấy nhân giáp ở cổ to ra, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để chọc hút và kiểm tra tế bào.
Phương pháp tiêm cồn qua da
Phương pháp tiêm cồn qua da được chỉ định điều trị nhân tuyến giáp đặc, u nang hoặc u nang dạng hỗn hợp. Qua sự hướng dẫn của máy siêu âm, cồn sẽ được tiêm qua da, tác động đến mạch máu nhỏ và gây hoại tử coagulative. Từ đó các nhân tuyến giáp sẽ bị phá hủy.
Điều trị nhân tuyến giáp bằng sóng cao tần
Sóng cao tần là một phương pháp hiện đại trong điều trị nhân tuyến giáp. Phương pháp này được đánh giá mang lại hiệu quả cao cho người bệnh. Các bác sĩ sẽ sử dụng dòng điện tần số cao để thu nhỏ kích cỡ của các nhân giáp lành tính trong tuyến giáp. Sau khi điều trị kích thước của nhân sẽ nhỏ đi đáng kể và không bị lớn trở lại.
Phương pháp này được đánh giá là phương pháp có nguy cơ tái phát bệnh thấp. Đặc biệt, người bệnh không cần gây mê trong điều trị vì vậy bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh sau điều trị. Gần như không có tỷ lệ biến chứng khi sử dụng phương pháp này, chỉ có 0,5% sau điều trị cảm thấy đau và cần dùng thuốc giảm đau hỗ trợ.
Phương pháp sử dụng tia laser
Laser là một trong những phương pháp hiện đại nhất trên thế giới hiện nay để điều trị nhân tuyến giáp. Phương pháp mới này không cần gây mê trong khi điều trị. Vì vậy người bệnh sẽ hạn chế được biến chứng như mất giọng, khản tiếng, nhiễm trùng, chảy máu. Đây là phương pháp chuyên dùng trong điều trị nhân giáp lành tính, không áp dụng cho trường hợp bệnh chuyển sang giai đoạn ác tính.
Ngoài ra đây còn là cách chữa nhân tuyến giáp có tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo hay các dấu vết ngoài da khác. Thời gian bình phục của bệnh nhân rất nhanh, có thể xuất viện chỉ sau 1 - 2 ngày điều trị bệnh.