Bệnh viện "xấu nhất TPHCM" được cấp 50 tỷ đồng, khẩn trương xử lý ẩm thấp
(Dân trí) - "Các khoa nội trú của cơ sở 2 bị ẩm thấp, ngập nước, chúng tôi ưu tiên làm trước. Bệnh viện đang đề xuất cấp tiếp 130 tỷ đồng giai đoạn 2" - lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần TPHCM chia sẻ.
Trao đổi với Dân trí, đại diện Ban Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho biết, sau khi nắm được những khó khăn, tồn tại của bệnh viện, UBND TPHCM đã chỉ đạo nhanh chóng sửa chữa tại cơ sở Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh).
Đến ngày 4/11, Bệnh viện Tâm thần TPHCM nhận được thông báo về việc TPHCM đã thông qua kế hoạch mở rộng cơ sở 2 Lê Minh Xuân lên 1.000 giường. Sau khi hoàn thành, cơ sở 1 của bệnh viện sẽ được bàn giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
"Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo bệnh viện nói lên tính cấp thiết, để có cơ sở về việc mở rộng cơ sở 2. Chúng tôi đang soạn công văn. Bệnh viện đang phối hợp với Sở Y tế và Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng của TPHCM để xúc tiến việc này" - đại diện Bệnh viện Tâm thần chia sẻ.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần, cơ sở 1 của nơi này có quy mô 50 giường bệnh cấp cứu, một ngày khám và điều trị cho hơn 600 bệnh nhân ngoại trú. Khi bệnh nhân được điều trị cấp cứu ổn định sẽ chuyển về cơ sở 2 Lê Minh Xuân an dưỡng, điều trị lâu dài.
Cơ sở 2 có quy mô 250 giường, nhưng phải tiếp nhận hơn 500 bệnh nhân - gấp đôi công suất thiết kế, nên bị quá tải nặng. Ngoài ra, bệnh viện còn có một cơ sở điều trị cho trẻ em tại quận Phú Nhuận.
Về mặt nhân sự, Bệnh viện Tâm thần có gần 480 viên chức, người lao động, bao gồm khoảng 90 bác sĩ và hơn 100 điều dưỡng. Với số lượng nhân viên y tế như vậy mà phải phục vụ 600 lượt khám ngoại trú mỗi ngày là rất "căng".
"Bệnh nhân tâm thần rất đặc thù, một người đi khám bệnh có ít nhất 1-2 người nhà theo. Nói 600 lượt khám bệnh nhưng thực tế trong một diện tích rất nhỏ có thể lên đến 1.200-1.800 người, khiến bệnh viện trở nên rất chật chội" - lãnh đạo bệnh viện phân tích.
Phía bệnh viện nhận định, khi cơ sở 2 nâng lên 1.000 giường sẽ giải quyết được tình trạng quá tải, việc điều trị được đưa về một mối. Từ đó, áp lực về nhân lực sẽ giảm rất nhiều, không chỉ với đội ngũ nhân viên y tế mà còn ở các bộ phận khác như hành chính, bảo vệ… Các y bác sĩ tại bệnh viện rất vui mừng trước thông tin bệnh viện sắp được mở rộng.
Dù vậy, việc xây dựng còn phải lệ thuộc vào huyện Bình Chánh và các Sở, ngành liên quan nên không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai. Vấn đề này, Sở Y tế đang tìm cách làm việc nhanh nhất có thể.
Theo một Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần, ngoài xây mới, bệnh viện cần đi kèm với đầu tư mua sắm trang thiết bị. Trước mắt, nơi này đang cho sửa chữa cuốn chiếu những khu vực xuống cấp ở cơ sở 2, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã cấp 50 tỷ đồng trong giai đoạn 1.
"Các khoa nội trú của cơ sở 2 bị ẩm thấp, ngập nước, chúng tôi ưu tiên làm trước, rồi sẽ mở rộng ra những khu vực tiếp theo. Bệnh viện đang đề xuất cấp tiếp kinh phí 130 tỷ đồng giai đoạn 2 để thực hiện các phần còn lại" - nguồn tin cho biết.
Về đề xuất, lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần mong TPHCM tiếp tục duy trì chính sách chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 cho nhân viên y tế. Ngoài ra, nếu Nhà nước thông qua việc tăng lương cơ sở sớm trong đầu năm 2023 sẽ tạo nên sự phấn khởi, nâng cao tinh thần cho người lao động.
Trước việc lãnh đạo ngành Y tế TPHCM đánh giá Bệnh viện Tâm thần là bệnh viện xấu nhất tại địa phương, lãnh đạo đơn vị này chia sẻ: "Tôi không dám chắc bệnh viện có xấu nhất TPHCM hay không, nhưng thực sự nó rất xấu. Nói như Giám đốc Sở Y tế TPHCM là tương đối chính xác".
Theo lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần, tiền thân của bệnh viện là khoa Tâm thần thuộc Bệnh viện Chợ Quán (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM) - một trong những cơ sở y tế thuộc hàng lâu đời nhất của Sài Gòn - Gia Định. Đến năm 1979, khoa này được tách ra thành Trạm Tâm thần trung tâm TPHCM, và đến năm 1982 mới chính thức thành lập bệnh viện.
Trước đó khi chia sẻ những khó khăn và thách thức của ngành Y tế sau đại dịch Covid-19, Sở Y tế TPHCM cho biết, người dân mắc các bệnh tâm thần còn gặp nhiều khó khăn khi đến bệnh viện chuyên khoa Tâm thần để khám, chữa bệnh, vì cơ sở hạ tầng của bệnh viện này xuống cấp, quá tải.
Do đó, Sở Y tế đề xuất TPHCM cho phép triển khai Dự án xây dựng mới Bệnh viện Tâm thần (quy mô 1.000 giường) với 1 trong 2 phương án.
Phương án thứ nhất: Mở rộng cơ sở Lê Minh Xuân của Bệnh viện Tâm thần hiện hữu, quy mô từ 250 giường lên 1.000 giường. Để nâng lên quy mô 1.000 giường thì cần bổ sung diện tích đất từ 2,2ha lên 5-10ha tại địa điểm ấp 6 xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Phương án thứ hai: Triển khai dự án xây dựng mới Bệnh viện Tâm thần quy mô 1.000 giường bệnh với diện tích từ 5-10ha tại huyện Bình Chánh. Khi đó, cơ sở chính tại số 766 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5 sẽ bàn giao lại cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.