Bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM bảo mật thông tin bệnh nhân ra sao?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Đại diện bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM đã phản hồi câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc có khả năng nhân viên y tế tuồn hồ sơ của bệnh nhân cho bên thứ ba với mục đích ngoài chuyên môn hay không?

Mới đây, nhiều sản phụ sinh ở Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) phản ánh việc bị các đối tượng tự xưng là nhân viên y tế chào mời thuốc giá hàng triệu đồng qua điện thoại, thậm chí "đe dọa" nếu không mua thì sau này con sẽ không được tiêm chủng, nguy hiểm tính mạng…

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, qua rà soát, đơn vị chưa phát hiện việc rò rỉ thông tin bệnh nhân, các hệ thống cũng không ghi nhận có sự xâm nhập. Các thông tin mà đối tượng lạ cung cấp về việc Bệnh viện Từ Dũ chuyển bệnh án của bệnh nhân về tỉnh, hay "không mua thuốc sẽ không được tiêm chủng" đều sai sự thật.

Bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM bảo mật thông tin bệnh nhân ra sao? - 1

Sản phụ bị đe dọa không mua thuốc thì con sẽ không được tiêm chủng (Ảnh chụp màn hình).

Dù vậy, sự việc cũng khiến các bà mẹ lo ngại việc chăm sóc sức khỏe cho con bị ảnh hưởng, đồng thời cũng đặt ra vấn đề trong việc bảo mật thông tin của bệnh nhân khi điều trị tại các cơ sở công lập, tuyến cuối.

Bệnh viện tuyến cuối quản lý thông tin bệnh nhân thế nào?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TPHCM (tuyến cuối điều trị chuyên ngành Da liễu khu vực phía Nam) cho biết, trước đây đơn vị sử dụng hoàn toàn bằng giấy tờ ghi chú tay để quản lý thông tin bệnh nhân.

Từ năm 2016, bệnh viện bắt đầu triển khai các phần mềm thực hiện kê toa, khám bệnh và quản lý thông tin bệnh nhân.

Trong công tác báo cáo, hiện nay đơn vị sử dụng mã bệnh nhân để định danh, phục vụ công tác chuyên môn khi cần thiết, thay cho việc định danh bằng tên, địa chỉ. Điều này giúp giảm thấp nhất việc lộ thông tin người bệnh.

Khi bệnh nhân chủ động yêu cầu truy xuất thông tin theo hồ sơ thăm khám và điều trị, Bệnh viện Da liễu TPHCM cũng có quy trình cung cấp tóm tắt bệnh án. Trong trường hợp này, chính chủ (bệnh nhân) phải mang theo căn cước công dân đến thì bệnh viện mới tiến hành cung cấp.

Bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM bảo mật thông tin bệnh nhân ra sao? - 2

Người dân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngoài bệnh nhân, người có giấy tờ ủy quyền của cơ quan chức năng và đại diện pháp lý của bệnh nhân (trong trường hợp là bệnh nhi), tất cả các đối tượng khác, kể cả người quen, bạn bè đều không thuộc diện được trích lục thông tin bệnh nhân.

Ở khâu trả kết quả xét nghiệm, đến nay Bệnh viện Da liễu TPHCM đã áp dụng hình thức quét mã QR để thuận tiện cho bệnh nhân. Tuy nhiên với những kết quả nhạy cảm (như xét nghiệm HIV), các bác sĩ chỉ cung cấp trực tiếp cho chính bệnh nhân ngay tại bệnh viện. Đây là cam kết để tôn trọng quyền tự do của họ.

Bệnh án giấy có dễ bị tuồn ra ngoài?

Bác sĩ Uyển Nhi nói thêm, ở các phòng khám của bệnh viện (như phòng khám 120 điều trị vảy nến), việc quản lý thông tin bệnh nhân dựa vào 2 cách. Thứ nhất, quản lý bằng sổ bệnh án. Các sổ này chỉ được lưu trữ, cất giữ tại phòng khám và không được đem ra ngoài.

Thứ hai, quản lý trên hệ thống có những thanh công cụ để theo dõi việc điều trị của bệnh nhân, với thông tin đã mã hóa. Đặc biệt, chỉ có những bác sĩ khám và điều trị, kê toa trong ngày mới có thể truy xuất được các thông tin của bệnh nhân ngày hôm đó.

Bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM bảo mật thông tin bệnh nhân ra sao? - 3

Bệnh nhân ngồi chờ trước khu vực phòng khám 120 của Bệnh viện Da liễu TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có khả năng nhân viên y tế tuồn hồ sơ bệnh án của bệnh nhân cho bên thứ ba với mục đích ngoài chuyên môn hay không, đại diện phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TPHCM khẳng định rất khó, vì hồ sơ luôn được đặt tại phòng hành chính của khoa, có Trưởng khoa và Điều dưỡng trưởng theo dõi.

Khi bệnh nhân kết thúc một chu kỳ điều trị, hồ sơ sẽ được kiểm tra tại khoa điều trị và chuyển lên phòng Kế hoạch tổng hợp hậu kiểm trong vòng 24 giờ, trước khi được lưu trữ và niêm phong ở kho.

Liên quan đến thực trạng có những trường hợp bị đối tượng lạ tiếp cận sau khi đi điều trị ở bệnh viện, bác sĩ Uyển Nhi cho biết, riêng tại Bệnh viện Da Liễu thông tin bệnh nhân được cam kết bảo mật hoàn toàn, không mua bán, liên kết hay ký kết bất kỳ dịch vụ nào với bên thứ ba về thương mại, dịch vụ.

"Chỉ e ngại bệnh nhân bị lộ thông tin khi mua sắm, nhất là mua sắm trực tuyến, hoặc tham gia những hội nhóm, chúng tôi không thể kiểm soát được", bác sĩ Uyển Nhi nói.

Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, lãnh đạo đơn vị hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế cho biết, từ tháng 11/2023, nơi này đã siết chặt quy trình thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với bệnh nhân nội trú khi xuất viện, phòng ngừa việc người lạ biết thông tin bệnh nhân có thể mạo danh người thân để lấy tiền.

Cụ thể, bệnh nhân hoặc thân nhân muốn thanh toán chi phí khám chữa bệnh còn lại khi ra viện cần phải có bộ hồ sơ gồm: bảng kê chi phí khám chữa bệnh có đầy đủ chữ ký, họ tên bệnh nhân/thân nhân và khoa điều trị; biên lai tạm ứng bản chính; căn cước công dân hoặc giấy tờ hợp pháp của người thanh toán.

Trong trường hợp hồ sơ không đầy đủ, cần có xác nhận theo mẫu của điều dưỡng trưởng hoặc bác sĩ trực. Sau đó, khoa sẽ hướng dẫn thân nhân bệnh nhân đến quầy viện phí để thanh toán theo quy định.