1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khổ vì hết thuốc bảo hiểm- Bài 3

Bệnh viện không thể thầu thuốc BHYT, phục vụ bệnh nhân thế nào?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Đại diện nhiều bệnh viện ở TPHCM thừa nhận với phóng viên Dân trí việc một số thuốc, vật tư y tế trong danh mục BHYT không đấu thầu được, phải tìm cách xoay xở để phục vụ bệnh nhân.

Nhiều nơi không đấu thầu được thuốc tê nha khoa

Mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra dự thảo thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Trong đó, đề xuất cơ chế chi trả cho người có thẻ BHYT tự mua thuốc, khi đủ các điều kiện: Thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi tham gia BHYT; người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng không sẵn có tại cơ sở điều trị thời điểm sử dụng.

Bệnh viện không thể thầu thuốc BHYT, phục vụ bệnh nhân thế nào? - 1

Người dân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện công lập ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Đề xuất trên được ban hành trong bối cảnh những ngày qua, hàng loạt bệnh nhân khắp cả nước đã phản ánh đến báo Dân trí việc phải ra ngoài bệnh viện mua thuốc, vật tư y tế trong danh mục hưởng BHYT và phải tự chi trả.

Như trường hợp của ông N.V.N. (59 tuổi) phải tự mua hàng loạt vật tư như bơm tiêm, ga trải giường phẫu thuật, băng gạc… khi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị sỏi thận.

Gần đây nhất, ông Nguyễn Đức Tâm, 68 tuổi, sống tại Hà Nội 3 năm ròng rã "gõ cửa" cơ quan chức năng đòi quyền lợi, nhưng vẫn chưa được hoàn trả tiền thuốc trong danh mục bảo hiểm, khi điều trị ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Tại TPHCM, đến nay vẫn còn những cơ sở khám chữa bệnh (đặc biệt là tuyến quận, huyện) có tình trạng thiếu cục bộ một số loại thuốc, vật tư y tế, gây khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Như trường hợp của Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, theo thông tin phóng viên Dân trí ghi nhận được, trong năm 2023, nơi này bị rớt đấu thầu thuốc gây tê nhổ răng, vì không có nhà cung ứng dự thầu. Đây là loại thuốc nằm trong danh mục chi trả BHYT.

Để đảm bảo phục vụ bệnh nhân, đơn vị đã làm công văn xin ý kiến Sở Y tế TPHCM để tiến hành tự mua sắm khoảng 2.000 ống thuốc tê.

Bệnh viện không thể thầu thuốc BHYT, phục vụ bệnh nhân thế nào? - 2

Chăm sóc nha khoa tại một cơ sở y tế ở TPHCM (Ảnh: HT).

"Bệnh viện phải tự mua thuốc tê nhổ răng rồi tư vấn lại cho bệnh nhân nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Trường hợp người nào khó khăn quá, bệnh viện cũng chấp nhận tự chi trả", nguồn tin tại bệnh viện tiết lộ.

Tại Bệnh viện TP Thủ Đức, đại diện đơn vị thừa nhận vẫn còn tình trạng thiếu cục bộ một số loại thuốc và vật tư, như thời điểm giữa 2 đợt thầu. Thậm chí kể cả ngay đầu đợt thầu, dù trúng thầu nhưng cũng không thể đạt 100% danh mục và cơ số thuốc.

"Một số loại thuốc liên quan đến các chuyên khoa đặc thù bị thiếu, như thuốc tê của chuyên khoa răng hàm mặt, khi bệnh viện tổ chức đấu thầu mà người ta không tham gia", đại diện bệnh viện trên chia sẻ.

Tương tự, tình trạng thiếu thuốc tê nha khoa cũng xảy ra một số thời điểm ở Bệnh viện quận 11. Còn lãnh đạo Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) thông tin, có thời điểm nơi này bị thiếu một số loại thuốc, vì bệnh nhân tăng đột biến so với dự trù đầu năm.

Riêng với thuốc tê nhổ răng, vì giá trị gói thầu thấp nên nhà thầu không tham gia. Biện pháp giải quyết là cho bệnh nhân mua ngoài, hoặc chỉ định thầu.

Bệnh viện không thể thầu thuốc BHYT, phục vụ bệnh nhân thế nào? - 3

Vào cuối năm 2022, nhiều bệnh viện và cả các phòng khám tư trên cả nước từng gặp tình trạng khó khăn khi mua thuốc tê nha khoa (Ảnh: HT).

Băn khoăn thủ tục chi trả tiền thuốc cho bệnh nhân

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Ngọc Cường, Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh cho biết, việc cung ứng vật tư y tế tại đây không còn khó khăn như giai đoạn đầu sau dịch Covid-19. Dù vậy, nơi này đôi lúc thiếu hụt một số thuốc, do đứt gãy chuỗi cung ứng, hoặc do nhu cầu tăng đột biến khi mô hình bệnh tật tại bệnh viện thay đổi.

Bác sĩ Cường dẫn chứng, nhu cầu sử dụng Midazolam (thuốc hướng tâm thần) năm nay tại bệnh viện tăng cao. Trong khi đó, việc mua những thuốc kiểm soát đặc biệt như vậy cần rất nhiều thủ tục.

Các loại thuốc trị tiểu đường (insulin), thuốc chống kết tập tiểu cầu (Clopidogrel) cũng có lượng bệnh tăng nhiều, nên không đủ sử dụng theo kết quả thầu. Riêng Albumin, công ty không có thuốc cung ứng.

Với thuốc tê nha khoa, vì số lượng dùng không nhiều và tính theo gói điều trị, Bệnh viện huyện Bình Chánh áp dụng phương thức mua tiền mặt, nên không vướng thủ tục thầu.

Bác sĩ Cường nhận định, khi luật Đấu thầu mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 với nhiều quy định cụ thể về hình thức chỉ định thầu; lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; về ưu đãi trong mua thuốc… hoạt động đấu thầu mua sắm sẽ thuận lợi hơn.

Bệnh viện không thể thầu thuốc BHYT, phục vụ bệnh nhân thế nào? - 4

Nhà thuốc một bệnh viện tại TPHCM (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Trao đổi với phóng viên Dân trí xoay quanh dự thảo đề xuất cơ chế chi trả cho người có thẻ BHYT tự mua thuốc, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc điều hành, Bệnh viện TP Thủ Đức nhận định, quy định trên được ban hành sẽ giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của bệnh nhân.

Tuy nhiên, bác sĩ Thanh băn khoăn khi vận dụng quy định sẽ có những tình huống khó khăn phát sinh.

Ông dẫn chứng, thuốc đấu thầu trong bệnh viện thông thường sẽ có "giá thấp nhất". Trong khi đó, nếu người dân tự mua ở nhà thuốc tư nhân, giá có thể cao hơn vì mang tính thương mại. Như vậy, phần chênh lệch so với giá thầu sẽ được chi trả như thế nào cần được cơ quan quản lý làm rõ.

Ngoài ra, thuốc khi được đấu thầu mà không trúng thầu, cũng đồng nghĩa nằm ngoài diện được bảo hiểm chi trả. "Khi bệnh nhân cầm toa thuốc từ bệnh viện ra ngoài, mua và chi trả như thế nào theo hóa đơn, còn cần phải bàn luận thêm", bác sĩ Thanh nói.

Bệnh viện không thể thầu thuốc BHYT, phục vụ bệnh nhân thế nào? - 5

Nhiều lãnh đạo bệnh viện bày tỏ, khi vận dụng việc chi trả cho người có thẻ BHYT tự mua thuốc sẽ có những tình huống khó khăn phát sinh (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Phía Bệnh viện Lê Văn Việt góp ý, thông tư của Bộ Y tế khi ban hành cần bổ sung thêm nội dung phân biệt trường hợp bệnh nhân và người nhà đề xuất xin mua thuốc nhập với tư tưởng "thuốc ngoại là tốt", trong khi cơ sở y tế có cùng loại nhưng sản xuất trong nước. Với trường hợp này, dù bác sĩ có thể kê toa theo yêu cầu nhưng bệnh nhân phải tự chi trả.

Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh cho rằng, dự thảo chi trả tiền tự mua thuốc bên ngoài cho bệnh nhân của Bộ Y tế đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người tham gia BHYT, tuy nhiên có một số khó khăn khi thực hiện.

"Một mặt hàng thuốc có thể trúng thầu nhiều giá khác nhau ở mỗi đơn vị, vậy BHYT sẽ chi trả như thế nào đối với các trường hợp như vậy? Mong cơ quan quản lý xây dựng quy trình cụ thể, để tránh việc khó khăn trong thực hiện thực tế", bác sĩ Võ Ngọc Cường bày tỏ.