1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

Bệnh viện "khó chồng khó" khi phải nộp tiền thuê đất, tự tổ chức bãi xe

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo Sở Y tế TPHCM, từ năm 2023 khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định mới, các bệnh viện sẽ tiếp tục gặp khó khăn, vì giá thu khám bệnh, chữa bệnh vẫn chưa được sửa đổi.

Thông tin trên được cho biết tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành y tế TPHCM năm 2023, diễn ra ngày 5/1.

Theo đại diện Phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TPHCM, lộ trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính của ngành y tế Thành phố đã trải qua thời gian gần 20 năm. Đến nay, có 45/50 bệnh viện chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính toàn phần, 3 bệnh viện tự đảm bảo một phần và 2 bệnh viện ngân sách đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động.

Trong suốt khoảng thời gian trên, ngoài tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, ngành y tế TPHCM gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện gặp phải, là giá thu khám bệnh, chữa bệnh vẫn chưa được kết cấu đầy đủ các yếu tố chi phí.

Cụ thể, giá thu đến nay vẫn còn thiếu chi phí khấu hao tài sản cố định; chi phí duy tu sửa chữa cơ sở vật chất, bảo dưỡng trang thiết bị y tế, chi phí quản lý; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học; chi phí ứng dụng công nghệ thông tin...

Bệnh viện khó chồng khó khi phải nộp tiền thuê đất, tự tổ chức bãi xe - 1

Người dân chờ khám bệnh theo yêu cầu tại một bệnh viện ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Lãnh đạo Phòng Kế hoạch tài chính của Sở Y tế cho biết, có một thực tế đã và đang diễn ra là nguồn thu của các bệnh viện, nhóm bệnh viện công lập có sự chênh lệch lớn.

Đến năm 2019, các bệnh viện chuyên khoa chỉ bằng 32% số lượng (16 bệnh viện) nhưng nguồn thu là 18.100 tỷ đồng, bằng 63% nguồn thu của tất cả các bệnh viện. Từ đó dẫn đến chênh lệch lớn trong trích lập quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp và thu nhập của nhân viên y tế.

Theo số liệu của Sở Y tế, năm 2019, thu nhập bình quân của nhân viên y tế nhóm bệnh viện chuyên khoa là 29-39 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, thu nhập bình quân ở bệnh viện đa khoa cao nhất là 23,5 triệu đồng/tháng, còn thấp nhất chỉ 7 triệu đồng/tháng. Những khó khăn trên càng trở nên sâu sắc hơn ở giai đoạn sau đại dịch Covid-19, làm cho tình trạng nhân viên nghỉ việc gia tăng.

Từ năm 2023, các bệnh viện tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định mới là Nghị định số 60 của Chính phủ. Với Nghị định mới này, Sở Y tế cho rằng các bệnh viện vẫn tiếp tục gặp khó khăn, vì giá thu khám bệnh, chữa bệnh và các cơ chế chính sách vẫn chưa được sửa đổi, điều chỉnh, làm cho hầu hết các bệnh viện đa khoa có chênh lệch thu - chi không nhiều.

Bên cạnh đó, các bệnh viện còn gặp thêm khó khăn khi thực hiện các hướng dẫn mới, như phải nộp tiền thuê đất cho toàn bộ diện tích đất của bệnh viện, phải tự tổ chức hoạt động phụ trợ căn tin, bãi xe... mà không được cho các công ty chuyên nghiệp tổ chức thực hiện và bệnh viện giám sát như trước.

Bệnh viện khó chồng khó khi phải nộp tiền thuê đất, tự tổ chức bãi xe - 2

Khu vực bãi giữ xe, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngoài ra, các bệnh viện đã, đang và sẽ phải tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm với rất nhiều các quy định ràng buộc trách nhiệm pháp lý cao, nhưng với bộ máy quản lý như hiện nay thì sẽ có nguy cơ rủi ro cao.

Từ thực tế những khó khăn, ngành Y tế TPHCM đã huy động các chuyên gia, trong đó có sự hỗ trợ của các Sở, ngành để nghiên cứu và khẩn trương xây dựng Đề án thí điểm các chính sách đặc thù giúp củng cố hoạt động tài chính của các bệnh viện công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ. Đề án này đã được trình UBND TPHCM chờ được xem xét, chấp thuận.