(Dân trí) - Nhiều nhân viên y tế sang bệnh viện tư nhân chia sẻ, dù mức thu nhập đã đủ sống nhưng họ vẫn rời đi và không bao giờ quay trở lại hệ thống y tế công lập.
VÌ SAO NHIỀU NHÂN VIÊN Y TẾ RỜI BỆNH VIỆN CÔNG SANG BỆNH VIỆN TƯ?
Sau dịch Covid-19 đã xuất hiện "làn sóng" y bác sĩ rời khỏi hệ thống y tế công. Theo Bộ Y tế, đến nay đã có hơn 9.000 nhân viên y tế cả nước xin nghỉ việc, chuyển việc vì nhiều lý do khác nhau.
Riêng tại TPHCM, qua 2 năm dịch có hàng trăm bác sĩ và hơn 1.000 điều dưỡng rời đi. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đây cũng là một trong 3 thách thức lớn mà ngành y tế địa phương phải đối mặt.
Nhiều ý kiến cho rằng, 5% nguồn nhân lực y tế của TPHCM buông tay khỏi môi trường công lập vì thu nhập quá thấp. Song với những người trong cuộc, tiền có thể không phải lý do chính để họ rời đi.
Đủ loại áp lực
Tính đến nay, Liễu (26 tuổi) đã có 2 tháng chuyển từ bệnh viện công lập chuyên khoa hạng 1 đến một bệnh viện tư tại quận 7 (TPHCM). Ở chỗ làm mới với cùng vị trí công việc, thu nhập của cô đã tăng lên gấp rưỡi, tương đương 15 triệu đồng/tháng.
Trước đó khi còn làm khoa Nội thận của bệnh viện cũ, tổng thu nhập hàng tháng của Liễu khoảng 10 triệu đồng. Với số tiền này, cô cơ bản lo được chi tiêu và cuộc sống cá nhân. Nếu chỉ xét về lương, Liễu bảo có lẽ đã không nghỉ việc.
"Ở bệnh viện công, phải hết việc mới được về. Có những ngày làm giờ hành chính, lẽ ra 16h tôi đã tan ca nhưng 19-20h mới xong việc. Chuyện này xảy ra như cơm bữa.
Còn tại bệnh viện tư, tôi chỉ cần làm đúng quy định. Nếu được yêu cầu tăng cường làm thì sẽ tính thêm tiền ngoài giờ, rất rõ ràng", Liễu nói.
Nữ điều dưỡng chia sẻ, tại khoa cũ nơi cô công tác có 5 bác sĩ và 20 điều dưỡng, chia thành 3 kíp làm việc. 33 giường bệnh nơi đây hầu như đều trong tình trạng kín. Bác sĩ nếu phải trực ở phòng khám, mỗi ngày phải tiếp xúc hàng trăm lượt bệnh nhân.
Lượng bệnh đông khiến họ phải làm việc một cách vội vã, còn người bệnh có nhiều thời điểm phải chờ đợi lâu, nên thường xuyên cáu gắt, bày tỏ thái độ với nhân viên y tế. Mỗi tuần, Liễu có 2 ngày trực trọn 24h. Cô không nhớ mình đã thức trắng bao nhiêu đêm để chăm sóc bệnh nhân, để lo chạy thận, xử lý bệnh trở...
Sau dịch, bệnh càng lúc càng đông hơn, khiến Liễu và các đồng nghiệp thường xuyên bị stress. Việc rời đi là "giọt nước tràn ly" sau chuỗi ngày làm việc quá tải.
"Với tôi, lương 10 triệu đồng trở lên là đủ xoay sở được rồi. Tôi chỉ mong bệnh viện công tìm cách giảm khối lượng và áp lực công việc cho nhân viên y tế, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại khó mà thực hiện được", Liễu nói và khẳng định sẽ không quay lại hệ thống công lập.
Cũng giống Liễu, Như (từng làm một bệnh viện tuyến quận) cho biết, vì phải thực hiện chăm sóc toàn diện nên mọi vấn đề từ thay drap giường, dẫn bệnh nhân đi làm xét nghiệm, cận lâm sàng đều do điều dưỡng thực hiện. Chỉ cần một sơ suất nhỏ trong quá trình làm việc là bị chửi mắng.
Như bảo tổn thương tinh thần không chỉ do người bệnh gây ra mà còn đến từ chính đồng nghiệp của mình.
"Bác sĩ đi khám bệnh trễ, để bệnh nhân phàn nàn thì chúng tôi sẽ bị điều dưỡng trưởng mắng là không chịu hối thúc bác sĩ. Bác sĩ đọc kết quả CT không kỹ, tôi không an tâm nên nhắc nhở xem lại cũng bị nạt rằng "điều dưỡng không có chuyên môn, biết gì mà xen vào". Bác sĩ chẩn đoán bệnh sai, cho thuốc sai, bảo hiểm y tế không chịu chi trả thì điều dưỡng cũng bị trừ tiền chung.", nữ nhân viên y tế bức xúc nói và cho rằng làm việc rất cực, lại bị áp lực đủ phía như vậy sao chịu nổi".
Với bác sĩ Thành, lý do anh chọn chuyển sang làm ở một tập đoàn y khoa lớn là vì có tình trạng tranh giành quyền lực.
"Nếu ở lại chỗ làm cũ gần nhà, mổ thêm dịch vụ ngoài giờ, mỗi tháng tôi vẫn kiếm được vài chục triệu đồng, không phải ít. Nhưng trưởng khoa mới lên tìm cách thay bác sĩ mổ chính, mang người khác về để tạo "đế chế" mới, nên tôi chủ động ra đi trước khi bị chèn ép. Sang bệnh viện tư, tôi thấy tính gò bó và chuyên nghiệp cao hơn, mọi thứ đều có hệ thống rõ ràng", bác sĩ Thành nhận định.
Chuyển từ bệnh viện công sang tư, quyền điều trị của người dân bị tước đoạt?
Trước thực trạng nhân viên y tế ồ ạt chuyển từ bệnh viện công lập sang tư nhân làm dấy lên luồng dư luận cho rằng, cơ hội tiếp cận y bác sĩ giỏi của đa số người dân sẽ bị tước đoạt.
Phóng viên Dân trí đã liên hệ nhiều lãnh đạo bệnh viện, chuyên gia về y tế để đi tìm câu trả lời cho mối lo ngại trên.
TS.BS Trần Quang Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện An Sinh (quận Phú Nhuận) nhận định, việc luân chuyển bác sĩ từ vùng này hay vùng khác, từ công sang tư là điều hoàn toàn thường.
Ở góc độ pháp lý, từ năm 2008 Bộ Y tế đã phê duyệt đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh". Với bệnh viện tư nhân thành lập sau, phải có sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện công lập. Đó là sự dàn trải về lực lượng.
Bác sĩ Tuấn cho rằng, sau đợt dịch Covid-19, nhân viên y tế đã căng sức quá mức nhưng việc bù đắp lại của xã hội chưa thỏa đáng. Họ chuyển nơi làm việc theo nhu cầu cuộc sống, và ở đâu cũng làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân nên không thể gọi là tước đoạt quyền điều trị.
Thực tế tại Bệnh viện An Sinh, sau đợt dịch nhân sự vẫn ổn định như trước. Chỉ có một số nhân viên y tế từ bệnh viện công (đã nghỉ hưu) có kinh nghiệm và năng lực được bệnh viện tuyển dụng thêm. Bác sĩ Tuấn nhận định, bệnh viện công hiện vẫn tập trung những bác sĩ đầu ngành, vẫn là chủ lực điều trị trong hệ thống y tế.
Còn cơ sở y tế tư nhân được thành lập để đáp ứng nhu cầu giảm thời gian chờ đợi, được thụ hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn, từ đó góp phần giảm tải cho bệnh viện công. Việc không được hỗ trợ về mặt đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng… là nguyên nhân khiến viện phí ở tư nhân cao hơn, đây là điều dễ hiểu. Người dân sẽ lựa chọn nơi chăm sóc sức khỏe phù hợp với nhu cầu và túi tiền của họ.
PGS.TS Võ Văn Nho, Giám đốc Bệnh viện Ngoại Thần kinh Quốc tế (quận Tân Phú), nguyên Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, có hơn 30 năm công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, mong muốn của người bệnh là có nơi chữa bệnh tốt, được bác sĩ giỏi. Nơi nào đáp ứng được điều này thì họ tìm đến.
Từ năm 2008, Bệnh viện Ngoại Thần kinh Quốc tế là một trong những đơn vị vệ tinh giúp giảm áp lực điều trị cho Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước đó, người dân thường phải chuyển về tuyến tỉnh, gặp nhiều khó khăn về thời gian, di chuyển và kể cả chuyên môn, vì không phải tỉnh nào cũng có chuyên khoa đang điều trị.
Về chi phí, PGS Nho cho rằng, thực tế giá viện phí tại bệnh viện không chênh lệch quá nhiều so với hệ thống công lập, nên những bệnh nhân thu nhập trung bình vẫn đủ khả năng nằm lại điều trị ngắn ngày.
Theo PGS Nho, phần lớn bác sĩ từ công sang tư vì 2 vấn đề. Thứ nhất, trang thiết bị của bệnh viện tư khá đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu kỹ thuật để điều trị cho bệnh nhân, cũng không vướng vào quy định gì của Nhà nước. Thứ hai, thu nhập khá hơn.
Ông Nho cũng nhận định, hiện ở bệnh viện công vẫn còn nhiều bác sĩ giỏi. Họ vẫn bám trụ lại vì có nhiều cơ hội để giúp đỡ người nghèo. Ở bệnh viện công cũng có thương hiệu, từ đó bác sĩ có thể tự mở phòng mạch để có thêm thu nhập. Ngoài ra, bệnh viện công vẫn nắm lợi thế khi có nhiều chuyên khoa sâu để can thiệp cho những bệnh nhân nặng.
Giám đốc Bệnh viện Ngoại thần kinh Quốc tế dẫn chứng, tại đơn vị của ông sẽ không có các kỹ thuật can thiệp nội mạch, đặt stent, can thiệp túi phình… nên khi bệnh nhân vào gặp tình trạng này, bệnh viện phải phối hợp chuyển sang các đơn vị công lập như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 lại đồng tình với nhận định làn sóng chuyển từ công sang tư sẽ "tước đoạt" quyền điều trị với bác sĩ giỏi của đối tượng bệnh nhân thu nhập thấp. Bác sĩ Khanh lý giải, thực tế người nghèo buộc phải đến bệnh viện công, nên nếu không tìm cách giữ nhân lực giỏi ở lại, chắc họ sẽ không tiếp cận được. Trong khi đó người giàu, người có thu nhập tốt sẽ có nhiều sự lựa chọn trong điều trị.
"Giỏi ở đây là chẩn đoán nhanh, phát hiện sớm, phẫu thuật, can thiệp tốt về những vấn đề cơ bản. Còn can thiệp chuyên sâu sẽ có nhiều rủi ro, nên bệnh viện tư thường không lựa chọn", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Ông nói muốn giữ lại những nhân viên giỏi cần cải thiện lương bổng, môi trường làm việc, tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho họ. Nếu để các nhân tài rời đi thì người nghèo không ai lo.
Một lãnh đạo bệnh viện tư tại TPHCM cho biết, đơn vị với hơn 400 nhân viên thì có đến hơn 250 cán bộ nhân viên chuyển đến từ bệnh viện công (chiếm gần 62% tổng số nhân sự). Mỗi ngày, nơi này đón khoảng 400 lượt bệnh nhân đến thăm khám, điều trị.
Theo ông, nói "tước đoạt" quyền lợi chăm sóc sức khỏe của người dân là phủ nhận sự đóng góp thiết thực của bệnh viện tư nhân. "Nếu nhìn sang hệ thống y tế của các quốc gia phát triển, đơn cử như Hàn Quốc, 70-80% bệnh viện của họ là tư nhân và họ vẫn chăm sóc tốt cho người dân", ông dẫn chứng.
Bàn luận về vấn đề dịch chuyển công việc, vị lãnh đạo này cho rằng khi từ bệnh viện công sang tư, bác sĩ sẽ không bị áp lực về những ràng buộc quy định của Nhà nước, thu nhập được trả sòng phẳng theo công sức và không bị quá tải công việc. Về mặt quản lý, bệnh viện tư nhân cũng không có mối quan hệ giữa "nhân viên - sếp" nặng nề như bệnh viện công.
"Ở bệnh viện công, bác sĩ mỗi ngày phải khám hàng chục, thậm chí hàng trăm bệnh nhân thì khó đảm bảo sự kỹ lưỡng hoàn toàn. Làm nhiều nhưng thu nhập thấp thì sao sống được, dẫn đến phải đi làm thêm. Còn tại bệnh viện tư, nếu có chuyên môn, thu nhập của bác sĩ đủ tốt để không phải ra phòng mạch", ông phân tích.
Theo vị lãnh đạo kể trên, hệ thống bảo hiểm y tế của Việt Nam còn sự bất cập về mặt phân tuyến. Ví dụ, có nhiều loại thuốc, những kỹ thuật cao như phẫu thuật thần kinh, tư nhân dù làm được nhưng bị xếp vào bệnh viện hạng 3 thì sẽ không được bảo hiểm chi trả như những đơn vị hạng 1, hạng đặc biệt. Do đó để hưởng bảo hiểm, người dân buộc lòng phải đổ xô vào bệnh viện công, gây nên sự quá tải.
"Nếu cơ chế được thay đổi, bảo hiểm y tế cho bệnh nhân hưởng đồng đều ở cả công lập và tư nhân thì chất lượng chăm sóc sức khỏe và gánh nặng viện phí của người dân sẽ cải thiện hơn rất nhiều", ông kiến nghị.
*Tên các nhân viên y tế nghỉ việc đã thay đổi.
Thực hiện: Hoàng Lê