1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Một bệnh viện ở TPHCM càng làm càng thâm hụt

Hoàng Lê

(Dân trí) - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) chia sẻ, giá thu viện phí với bệnh nhân không có bảo hiểm y tế hiện nay chưa được tính đúng, tính đủ, khiến đơn vị càng làm càng thâm hụt.

Chiều 29/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã đến làm việc, khảo sát cơ chế tự chủ, đấu thầu mua sắm thuốc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM).

Càng làm càng thâm hụt

Báo cáo với đoàn công tác, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, đơn vị được giao quyền tự chủ chi thường xuyên từ năm 2016 đến nay. Quá trình thực hiện phần nào tạo cho bệnh viện sự chủ động trong công tác khám chữa bệnh, nhưng cũng tồn tại không ít khó khăn.

Cụ thể theo bác sĩ Khanh, giá thu dịch vụ kỹ thuật y tế hiện nay khi áp dụng với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chưa được tính đúng, tính đủ các thành phần như chi phí nhân sự gián tiếp, khấu hao thiết bị, chi phí đào tạo, nghiên cứu, bảo dưỡng..., và cũng chưa bao gồm phần hao hụt trong quá trình bảo quản, cấp phát thuốc và vật tư.

Một bệnh viện ở TPHCM càng làm càng thâm hụt - 1

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM làm việc với Bệnh viện Lê Văn Thịnh chiều 29/9 (Ảnh: TC).

Mặc khác, bệnh viện cũng đầu tư hệ thống công nghệ thông tin rất nhiều để số hóa trong công tác khám chữa bệnh. Chi phí này cũng chưa được tính vào cơ cấu giá dịch vụ.

Việc này dẫn đến bệnh viện càng làm càng thâm hụt, máy móc thiết bị ngày càng lạc hậu, không có nguồn để tái đầu tư sơ sở vật chất. Từ đó không thể nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực.

Bà Hoàng Thị Thanh Kiều, Trưởng phòng Tài chính của bệnh viện cho biết, một bất cập khác là việc đơn vị ký hợp đồng với cơ quan BHYT theo đơn giá dịch vụ cung cấp, nhưng giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT lại căn cứ trên định mức xây dựng cơ cấu giá.

Về việc tạm ứng và quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, bà Kiều chia sẻ, số tạm ứng 80% chi phí khám bệnh BHYT dựa vào quý trước để cho đơn vị hoạt động sau đó là không đủ. 20% còn lại và phần vượt dự toán là khoản tiền rất lớn, tuy nhiên đến năm sau mới được xem xét.

Ngoài ra, bệnh viện còn phải dự trữ tiền thuốc, vật tư, hóa chất tồn kho để việc khám chữa bệnh kịp thời và chi phí này cũng rất cao. Trong khi đó, các khoản tiền lương, phụ cấp bệnh viện phải chi theo tháng, còn tiền điện, nước trả theo kỳ.

Một bệnh viện ở TPHCM càng làm càng thâm hụt - 2

Nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu bệnh nhân trong đêm (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngoài ra trong thời gian dịch bệnh Covid-19, nguồn thu của bệnh viện giảm, sự hỗ trợ từ ngân sách hạn chế, dẫn đến thu nhập của nhân viên y tế cũng giảm sút. Bệnh viện cũng không còn nguồn chi thu nhập tăng thêm theo nghị quyết của Chính phủ cho nhân viên.

Do đó, bệnh viện mong muốn sớm có khung giá khám chữa bệnh tính đúng, tính đủ.

Bệnh viện cũng kiến nghị phải có cơ chế thống nhất trong việc thẩm tra công tác khám chữa bệnh BHYT, xem xét thay đổi việc cấp tạm ứng 80% chi phí khám chữa bệnh. Ngoài ra, mở rộng đối tượng hưởng chế độ thu nhập tăng thêm và đề nghị ngân sách hỗ trợ chi phần thiếu hụt của đơn vị.

Bị động trong việc thanh quyết toán tiền thuốc

Về công tác mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, thuốc phòng chống Covid-19 giai đoạn từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2021, bác sĩ Khanh cho biết, qua thanh kiểm tra, bệnh viện chưa có dấu hiệu vi phạm.

Dù vậy, vì bệnh viện phải triển khai nhiều gói thầu mua sắm thuốc nên mất nhiều thời gian, nhân lực để thực hiện công tác đấu thầu.

Theo đại diện khoa Dược, tổng kinh phí dành cho thuốc khi khám chữa bệnh chiếm tỷ lệ hơn 55%, dẫn đến bệnh viện phải tập trung thanh toán cho các công ty để đảm bảo cung ứng đủ. Trong khi đó, kinh phí của bệnh viện chủ yếu từ nguồn chi trả của BHYT, nên khó chủ động thanh quyết toán.

Một bệnh viện ở TPHCM càng làm càng thâm hụt - 3

Người dân lấy thuốc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngoài ra, tất cả kế hoạch lựa chọn nhà thầu đều được duyệt bởi Giám đốc Sở Y tế (do UBND TPHCM ủy quyền), nên có những lúc bị chậm.

Bệnh viện cũng không biết chọn giá dự toán nào khi đấu thầu, đồng thời không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa trúng thầu khi đã trong quá trình sản xuất phân phối.

Sau khi nghe hết các trình bày, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM ghi nhận sự cố gắng và nỗ lực của bệnh viện trong công tác khám chữa bệnh và tham gia chống dịch Covid-19 cùng thành phố.

Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cũng chia sẻ những khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải, đồng thời cho biết sẽ ghi nhận hết các kiến nghị của đơn vị.