Bệnh viện khám bệnh, cấp cứu như thế nào khi siêu bão Yagi đổ bộ?

Hồng Hải

(Dân trí) - Bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng nhân lực xử trí, cấp cứu hàng loạt nếu có nhiều người gặp nạn trong bão. Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh, Phú Thọ cũng lên phương án để bác sĩ, người bệnh an toàn trong bão.

Lập đội cấp cứu lưu động

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện Bạch Mai tập trung toàn bộ mọi nguồn lực để chủ động ứng phó với siêu bão Yagi, đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh và nhân viên y tế, sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp cấp cứu hàng loạt do thảm họa, thiên tai.

Bệnh viện khám bệnh, cấp cứu như thế nào khi siêu bão Yagi đổ bộ? - 1

Công tác cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, ngay sau cơn giông lốc do ảnh hưởng hoàn lưu trước siêu bão (Ảnh: CTXH).

Bệnh viện cũng thành lập các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ chuyên môn khi có yêu cầu từ các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để tập trung nguồn lực phòng chống bão, cấp cứu và điều trị người bệnh, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân và người nhà, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tạm dừng công tác khám bệnh tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu - Nhà K1 trong hai ngày thứ 7 và chủ nhật (ngày 7-8/9/2024). 

Bệnh viện khám bệnh, cấp cứu như thế nào khi siêu bão Yagi đổ bộ? - 2

Xe cấp cứu, đội cấp cứu lưu động luôn sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống (Ảnh: CTXH).

Đảm bảo an toàn cho người bệnh

Trong khi đó tại Quảng Ninh, chiều 6/9, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai nhiệm vụ, giải pháp ứng phó khẩn cấp bão số 3.

Theo dự báo, bão số 3 (Yagi) hiện đang di chuyển nhanh. Chiều ngày 6/9, vị trí tâm bão số 3 cách Quảng Ninh khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh đề nghị các đơn vị y tế trên địa bàn nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng chống bão của các đơn vị, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kế hoạch ứng phó kịp thời với mọi diễn biến của mưa, bão.

"Cần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế, thuốc, vật tư và trang thiết bị. Đồng thời, các đơn vị bảo đảm công tác an toàn thực phẩm và phòng chống dịch trong và sau bão", Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh chỉ đạo.

Giám đốc Sở Y tế đề nghị các đơn vị sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; tăng cường công tác thường trực chuyên môn 24/24 giờ tại đơn vị, duy trì tốt hoạt động khám, chữa bệnh, sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu cho người bệnh, nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, bệnh viện đã khẩn trương chủ động kế hoạch ứng phó bão với phương châm "3 trước, 4 tại chỗ", đảm bảo công tác thường trực cấp cứu, an toàn người bệnh.

Theo đó, Bệnh viện tiến hành kiểm tra toàn diện cơ sở vật chất, từ hệ thống cửa sổ, cửa ra vào đến hệ thống dây điện, cáp truyền và các phòng bệnh, phòng làm việc.

Mọi nguy cơ như: Bay tốc mái, đổ tường, ngập úng do hệ thống thoát nước quá tải được rà soát và báo cáo để có biện pháp khắc phục và gia cố kịp thời. 

Bệnh viện đã dự trữ đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, cùng với các phương tiện thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

Đội ngũ y tế trực cấp cứu 24/24h và các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết, đảm bảo mọi tình huống đều được xử lý kịp thời, hiệu quả.

Cùng với đó khoa Dinh dưỡng phối hợp với nhà ăn đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống… cho người bệnh trước, trong và sau bão.

"Trong tình huống khẩn cấp, bệnh viện đã sẵn sàng các phương án sơ tán người bệnh, cán bộ y tế cùng tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời, các giải pháp cách ly và phòng chống dịch bệnh cũng được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo duy trì sức khỏe cộng đồng trong điều kiện thiên tai", Giám đốc Bệnh viện thông tin.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, trước tình hình khẩn cấp, nguy cơ bão Yagi gây thiệt hại lớn, toàn bộ Bệnh viện từ Ban Giám đốc trở xuống đến các khoa, phòng, buồng bệnh thực hiện tốt phương châm "Bốn tại chỗ".

Cụ thể gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới.

Khoa cấp cứu tăng cường thêm ít nhất một kíp cấp cứu thường trực tại khoa 24/24 trong suốt thời gian bão số 3 diễn ra, đảm bảo ứng phó với các tình huống cấp cứu đến Bệnh viện.

Ngoài ra, tăng cường tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp trong và ngoài Bệnh viện, cũng như chi viện cho tuyến dưới.

Bệnh viện cũng tăng cường nhân lực trực tại các khoa Hồi sức tích cực và các khoa hệ Ngoại, trong đó ít nhất mỗi khoa phải có thêm một bác sĩ, đảm bảo trực 24/24h trong suốt thời gian bão số 3 diễn ra, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho người bệnh gặp phải tai nạn hoặc tình trạng khẩn cấp.

Tạm dừng hoạt động khám bệnh thường quy, khám chuyên gia trong hai ngày thứ 7 và chủ nhật (ngày 7 và 8/9). Ưu tiên khám cấp cứu tại khoa cấp cứu.

Phòng Vật tư thiết bị y tế và khoa Dược phải đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc, hóa chất, vật tư và thiết bị y tế, đặc biệt đảm bảo trong các tình huống cấp cứu; nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe của người bệnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm