1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh tay chân miệng: Tuyến dưới đẩy lên, tuyến trên “hết chỗ chen”

(Dân trí) - Dịch tay chân miệng bùng phát dữ dội không chỉ khiến người dân hoang mang mà còn tạo áp lực lớn cho bệnh viện tuyến dưới. Chưa có thuốc đặc trị, điều trị tốn kém, nguy cơ tử vong cao nên dù bệnh chưa trở nặng cũng đẩy lên tuyến trên cho “nhẹ gánh”.

“Chưa bao giờ dịch TCM nóng như thời điểm hiện nay”
 
Đây là nhận định của TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM trước tình hình có 59 ca tử vong trong 17.200 ca mắc tay chân miệng (TCM) từ đầu năm đến ngày 20/7/2011 trên cả nước (tập trung nhiều ở phía Nam) và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, số người tử vong sẽ tiếp tục tăng cao.

Bệnh tay chân miệng: Tuyến dưới đẩy lên, tuyến trên “hết chỗ chen” - 1
Dự báo, dịch TCM sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới

Cụ thể, gần 1 tháng nay khoa Nhiễm của bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phải dành riêng để điều trị cho bệnh nhân TCM. Những ca bệnh nhiễm khác buộc phải chuyển qua điều trị tại khoa Nội tổng quát. BS Trịnh Hữu Tùng cho biết: “Ngoài những ca bệnh từ 1-10 tuổi, thời gian gần đây”, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp TCM ở trẻ lớn trong đó có một trẻ 13 tuổi đã tử vong”. 

Còn theo báo cáo của TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1, cho thấy: “Số ca bệnh TCM nhập viện điều trị tại bệnh viện từ đầu năm đến nay đã hơn 5.600 trường hợp. Hiện mỗi ngày khoa Nhiễm của Nhi Đồng 1 phải điều trị nội trú cho hơn 150 bệnh nhi TCM. Trong khi đó số ca nhập viện mới trong ngày cũng giao động từ 60 đến 70 trường hợp. 70% bệnh nhi TCM chuyển đến từ các bệnh viện tuyến tỉnh nhưng phần lớn số ca bệnh này không cần thiết phải chuyển viện”.

Thực tế trên đã khiến cho hai bệnh viện nhi tại TPHCM rơi vào tình trạng quá tải chưa từng thấy từ trước đến nay, dù mỗi giường bệnh đã phải “nhồi nhét” 3 đến 4 trẻ nhưng vẫn còn hàng trăm trẻ khác phải nằm vật vờ ngoài hành lang, gây ra tình cảnh mang bệnh đã khổ nhưng kiếm được chỗ nằm cho ra nằm còn khổ hơn.
 
Bệnh viện tuyến dưới chưa làm hết trách nhiệm

Tại Hội thảo bàn về việc xây dựng hệ thống giám sát bệnh TCM tại khu vực phía Nam do Viện Pasteur thành phố tổ chức, đại diện ngành y tế tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn của tỉnh đã có 1.022 trường hợp mắc TCM. Tuy nhiên, số liệu trên vẫn chưa cập nhật hết các ca bệnh, nghiêm trong hơn ngành y tế tỉnh này vẫn còn “đơn thương độc mã” chưa phối hợp được các ban ngành vào chống dịch nên để dịch bệnh lây lan rộng.

Lý giải cho vấn đề bệnh nhân TCM ồ ạt chuyển lên tuyến cuối điều trị, bà Lê Thị Phượng đại diện ngành y tế tỉnh An Giang cho biết: “Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh TCM, trang thiết bị y tế và kinh nghiệm trong chống dịch tại cơ sở vừa thiếu lại vừa yếu. Việc điều trị TCM bằng thuốc Gama globulin quá tốn kém nhưng lại nằm ngoài danh mục thuốc bảo hiểm nên bệnh viện tuyến dưới không thể đảm đương nổi. Mặt khác tâm lý của người nhà bệnh nhân luôn muốn chuyển con em mình lên tuyến trên để được điều trị tốt hơn”.
 
Tuy nhiên, TS Trần Ngọc Hữu cho rằng: “Dịch TCM bùng phát không chỉ gây tâm lý căng thẳng cho người nhà bệnh nhân mà còn tạo áp lực lớn đối với các bác sĩ. Thống kê từ các bệnh viện, 93% trường hợp mắc TCM là ca nhẹ từ 2A trở xuống. Thực tế này cho thấy bệnh viện tuyến dưới chưa làm hết trách nhiệm của mình, nhân viên y tế đang đùn đấy trách nhiệm cho nhau”.

Bệnh tay chân miệng: Tuyến dưới đẩy lên, tuyến trên “hết chỗ chen” - 2
\
Chưa bao giờ khoa các bệnh viện Nhi quá tải như hiện nay

Việc giám sát dịch tễ học đối với bệnh TCM đang lồng ghép với 28 bệnh truyền nhiễm, giám sát vi sinh học chủ yếu lấy thông tin từ các đề tài nghiên cứu hoặc lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nặng có biến chứng. Vì vậy quá trình giám sát đã không xác định được túyp vi-rút lưu hành chủ yếu trên bệnh nhân. Thông tin giám sát vi sinh học không toàn vẹn và không giám sát được đặc điểm dịch tễ. Các báo cáo đều chưa tìm được nguyên nhân vì sao ca bệnh tăng, vì sao tử vong nhiều?

Để giải bài toán khó trong khâu phòng chống dịch, TS Trần Ngọc Hữu cho biết: “Viện Pasteur đã đặt vấn đề với Tổ chức Y tế thế giới đề nghị được hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống giám sát bệnh TCM tại khu vực phía Nam. Hệ thống này sẽ xác định sự phân bố bệnh theo địa điểm, thời gian, yếu tố nguy cơ, sự lưu hành các chủng vi rút gây bệnh, trên cơ sở phát hiện bệnh kịp thời sẽ giúp ngành y tế tìm ra giải pháp khả quan trong việc điều trị”.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm