Bệnh nhi mắc bạch hầu tại Đắk Nông vẫn nguy kịch, khó truy vết F0

(Dân trí) - Theo thông tin từ Sở Y tế Đắk Nông, tình trạng bệnh nhi Giàng A P. vẫn rất nguy kịch, hiện đang được các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) tích cực cứu chữa.

Ngày 25/6, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông cho biết, tình trạng của bệnh nhi Giàng A P. (trú xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) vẫn đang nặng. Hiện tại dù tình trạng đã được cải thiện tuy nhiên tiên lượng vẫn nặng, chưa thể chuyển xuống TP. HCM tiếp tục điều trị.

“Ngày hôm qua, khi hội chẩn cùng các bác sĩ BV Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân được chuyển xuống dưới đó điều trị. Tuy nhiên, khi vừa đi được vài chục km đã phải cho cháu về vì sức khỏe cháu quá yếu”, vị lãnh đạo này cho hay.

Bệnh nhi mắc bạch hầu tại Đắk Nông vẫn nguy kịch, khó truy vết F0 - 1

Hiện tại có 12 ca nhiễm bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông

Trong khi đó, theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, trong số 6 bệnh nhân bị bạch hầu được tiếp nhận điều trị tại khoa Nhi tổng hợp, đã có 2 trường hợp được xuất viện, 4 trường hợp bị bạch hầu tuýp sinh độc tố. Trong đó cháu Giàng A P. vẫn rất nguy kịch và đang được các bác sĩ điều trị tích cực.

“Hiện tại bệnh nhân đã được mở khí quản, đặt máy tạo nhịp và điều trị đúng phác đồ. Chúng tôi hội chẩn thêm với Bệnh viện Nhi đồng thành phố và Bệnh viện Nhiệt đới. Tối 23/6, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới cùng một đoàn đã lên khảo sát và cử một bác sĩ hội chẩn với chúng tôi về ca này. Hiện ca này rất nặng, đã viêm cơ tim, đã phải dùng đến máy tạo nhịp và tiên lượng trong thời gian tới sẽ có những biến chuyển tiếp theo”- BS Trần Thị Thúy Minh cho biết.

Khó truy vết được ca F0

Ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Nông cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và ngành Y tế địa phương vẫn đang tìm nguyên nhân lây bệnh bạch hầu tại 3 khu dân cư của tỉnh. “Chúng tôi đặt giả thuyết mầm bệnh đã tồn tại sẵn trong cộng đồng, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp”, ông Thành nói.

Bệnh nhi mắc bạch hầu tại Đắk Nông vẫn nguy kịch, khó truy vết F0 - 2

Cấp phát thuốc dự phòng cho đồng bào Mông tại khu vực có dịch

Giải thích thêm về điều này, ông Thành cho biết, tại 2 huyện 2 ổ dịch bùng phát bệnh bạch hầu của huyện Đắk G’long, tỷ lệ tiêm chủng thấp, chỉ đạt 48-52%. Các trường hợp mắc bệnh chưa được tiêm đủ mũi vacxin phòng bệnh bạch hầu.

“Do tập quán, phong tục và suy nghĩ của người dân nên việc tiêm chủng chưa được quan tâm. Thậm chí, khi cán bộ y tế mang vacxin đến tận buôn, bản thì người dân vẫn không chịu cho con tiêm”, Giám đốc CDC Đắk Nông cho hay.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận 12 trường hợp ca mắc bệnh bạch hầu, tại huyện Krông Nô 4 trường hợp và huyện Đắk G’long 8 trường hợp, hiện đã có 1 trường hợp tử vong (ở thôn 6, xã Quảng Hòa, Đắk G’long). Tổng số trường hợp có tiếp xúc gần với các ca bệnh là khoảng 570 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm, đã có kết quả 510 trường hợp âm tính, hiện còn 60 mẫu đang chờ kết quả.

Ngoài ra, ngành y tế đã cắt cử trên 50 cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện cùng hàng loạt các trang thiết bị, phương tiện, thuốc, vật tư hóa chất thường trực 24/24h tại các ổ dịch,  thực hiện khử trùng, khử khuẩn định kỳ ngày 2 lần tại các ổ dịch, các hộ gia đình ghi nhận ca bệnh và các hộ gia đình khác có liên quan tới ca bệnh.

Bệnh nhi mắc bạch hầu tại Đắk Nông vẫn nguy kịch, khó truy vết F0 - 3

Lực lượng y tế phun thuốc khử trùng ngay trong đêm tại hai ổ dịch

Các trường hợp bệnh xác định và nghi ngờ đều được chuyển đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện vùng Tây nguyên. Hiện tại, ngành Y tế Đắk Nông đã cấp hơn 20.000 viên thuốc đặc trị cho hơn 1.000 người dân trong vùng xuất hiện ca bệnh và 10.000 liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho nhóm đối tượng từ 7 đến dưới 40 tuổi tại khu vực ổ dịch.

Thúy Diễm- Dương Phong