Bệnh nhi dị tật khe hở môi, vòm miệng không đơn giản "vá môi, chỉnh vòm"
(Dân trí) - Theo bác sĩ Cao Đức Chinh, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba (Hà Nội), một ca khe hở môi, vòm miệng cần rất nhiều can thiệp từ khi trẻ sinh ra cho đến lúc trưởng thành.
Ngày 22/11, tại hội thảo khoa học quốc tế "Điều trị toàn diện khe hở môi, vòm miệng và dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt" do Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba phối hợp Tổ chức Operation Smile Việt Nam (OSV) tổ chức, bác sĩ Chinh cho biết, sau hơn 30 năm, đến nay bệnh viện đã phẫu thuật hơn 16.300 người bệnh dị tật môi, vòm miệng.
Khe hở môi và vòm miệng là một dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt hay gặp. Ở Việt nam, tỷ lệ trẻ bị dị tật này chiếm khoảng 1,5‰.
Trên thế giới, tỷ lệ mắc dị tật này trong số trẻ mới sinh khoảng từ 1/600 đến 1/1000. Trong đó khe hở vòm miệng chiếm 40%.
Trẻ có thể có khe hở vòm miệng đơn thuần, có thể phối hợp cùng khe hở môi. Khe hở vòm miệng gây ra các rối loạn trầm trọng cho trẻ như khó ăn, khó bú, hay bị sặc, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, rối loạn phát âm, rối loạn tâm lý…
Điều trị toàn diện khe hở môi, vòm miệng là mục tiêu được các chuyên gia hướng tới nhằm mang lại cho bệnh nhân sức khỏe, thẩm mỹ và chức năng bình thường.
"Trẻ phải được điều trị toàn diện từ khi người mẹ mang thai chẩn đoán thai nhi bị dị tật khe hở môi, vòm miệng đến khi trẻ trưởng thành (17-18 tuổi)", bác sĩ Lê Trung Nghĩa chuyên gia điều trị môi, vòm của OSV cho biết.
Tại hội thảo này, các chuyên gia hàng đầu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới nhất trong điều trị bệnh nhân dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt, đặc biệt là khe hở môi, vòm miệng.
Tại Việt Nam, bệnh nhân bị khe hở môi, vòm miệng khá cao nhưng phần lớn người bệnh mới chỉ phẫu thuật vá môi, chỉnh vòm mà chưa được thực hiện các can thiệp toàn diện để hỗ trợ phát âm, nói.
Theo bác sĩ Chinh, nhiều bệnh nhân mặc cảm vì giọng nói không tròn vành rõ tiếng không kém gì tình trạng khe hở môi, vòm miệng. Do mới chỉ thực hiện "vá môi, chỉnh vòm" mà chưa có những can thiệp về chức năng, nắn chỉnh răng và chỉnh hình, thính học, ngôn ngữ, nhi khoa...
"Với một bệnh nhi sứt môi, hở vòm cần rất nhiều can thiệp y khoa và phải thực hiện trong suốt thời gian từ khi trẻ sinh ra cho đến lúc trưởng thành, chứ không chỉ đơn giản là vá môi, chỉnh vòm", bác sĩ Chinh thông tin.
Để điều trị toàn diện cho một trẻ có khe hở môi vòm, cần sự hợp tác của nhóm chuyên gia, từ bác sĩ răng hàm mặt đến các chuyên gia tâm lý, phát âm. Nếu không được điều trị đầy đủ có thể khiến trẻ gặp các vấn đề trong quá trình phát triển.
Hiện các cơ sở y tế đang đẩy mạnh việc điều trị toàn diện cho nhóm bệnh nhân này. Tới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba sẽ thành lập đơn vị chăm sóc toàn diện trẻ bị dị tật vùng hàm mặt để tư vấn, lập kế hoạch điều trị cụ thể, theo dõi từng bệnh nhân từ khi chào đời cho đến khi trẻ hoàn thiện về thẩm mỹ và chức năng.
Thời gian qua, Bệnh viện cũng phát triển thêm hướng mới là trị liệu ngữ âm để chăm sóc trẻ một cách toàn diện, hướng tới mục tiêu trẻ có nụ cười trọn vẹn về hình thức, ngôn ngữ phát triển và giao tiếp gần như bình thường.