Trẻ mắc dị tật bẩm sinh này đừng vội đình chỉ thai

Nam Phương

(Dân trí) - PGS.TS Trần Cao Bính cho biết, khe hở môi, vòm miệng là dị tật bẩm sinh phổ biến ở vùng mặt, miệng. Bác sĩ có thể sửa các dị tật này, nên cha me đừng vì trẻ bị dị tật này mà đình chỉ thai kỳ.

Chia sẻ tại chương trình Tư vấn điều trị toàn diện và phẫu thuật miễn phí cho trẻ khe hở môi - vòm miệng diễn ra sáng 22/3, PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương Hà Nội cho biết, mỗi ngày trên thế giới có trung bình 550 trẻ em không may mắn ra đời bị dị tật bẩm sinh. Tại Việt Nam trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 trẻ sinh ra bị dị tật. Trong đó, dị tật bẩm sinh gặp nhiều nhất là ở môi, vòm miệng. 

Dị tật hở môi và hàm ếch là khiếm khuyết bẩm sinh phổ biến nhất xảy ra tại vùng mặt và miệng. Dị tật này xuất hiện khi các bộ phận của môi, vòm miệng và mũi không hợp nhất lại với nhau trong quá trình phát triển phôi thai. Hiện nay tất cả các dị tật vùng hàm mặt đều có thể chỉnh sửa được. 

Trẻ mắc dị tật bẩm sinh này đừng vội đình chỉ thai - 1

Khám miễn phí cho trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng sáng 22/3 (Ảnh: Nam Phương).

Nhắc đến trường hợp bé Thào Thị Nhi (1 tuổi, người dân tộc Mông ở Lào Cai) được mổ thành công mới đây với sự ủng hộ của bạn đọc báo Dân trí, PGS Bình khẳng định: "Dị tật khó đến mấy chúng tôi cũng giải quyết được, như trường hợp bé này bị dị tật khe hở chéo mặt và khe hở vòm rất lớn. Trước đó, bệnh nhân đã đi 4-5 cơ sở y tế nhưng không bên nào nhận vì dị tật rất phức tạp". 

Ca phẫu thuật được tiến hành với mục tiêu đóng kín khe hở chéo mặt, che kín mắt trái giúp bảo tồn mắt trái, tạo hình môi hai bên giúp việc ăn uống dễ dàng hơn. Sau 4 giờ thực hiện ê kíp phẫu thuật đã tạo hình được môi hai bên, cánh mũi trái, đưa được mí dưới trái về đúng vị trí giải phẫu, nhắm mở được mắt trái. 

Vì thế, trong quá trình siêu âm thai nếu các cặp vợ chồng phát hiện con bị dị tật khe hở môi - vòm miệng thì nên bỏ qua những dị nghị, mặc cảm trước đây về luân thường, đạo lý mà bình tĩnh để thai kỳ phát triển bình thường. 

"Vì thế, các cặp vợ chồng không nên vì trẻ bị dị tật này mà đình chỉ thai kỳ. Dị tật này có thể điều trị được, điều trị tốt, việc điều trị sớm, điều trị toàn diện sẽ giúp trẻ trở thành một đứa trẻ bình thường, hòa nhập với cộng đồng", PGS Bính nhấn mạnh. 

Điều trị toàn diện là từ khi phát hiện ra những bất thường ở trẻ từ trong bào thai và kéo dài đến khi trẻ được 18 tuổi. Phẫu thuật kịp thời và đúng kỹ thuật sẽ giúp các bé phục hồi chức năng bú, nhai - cắn, cải thiện thẩm mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát âm sau này.

Khi phát hiện trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng, bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện để điều trị sớm. Nếu đủ điều kiện bác sĩ sẽ phẫu thuật đóng khe hở tránh để trẻ khó khăn trong việc ăn uống, bệnh kèm theo. Sau đó, trẻ được dạy ngữ âm trị liệu để tránh nói ngọng. 

Dù vậy, PGS Bính cũng nhấn mạnh việc điều trị sẽ kéo dài, vì thế những trẻ sinh ra đã kém may mắn này rất cần sự đồng hành, chia sẻ của gia đình.