Nghệ An:
Bệnh nhân “tố” bệnh viện ép mua thuốc giá “cắt cổ”
(Dân trí) - Giá thuốc tại nhà thuốc bệnh viện cao hơn 50%, thậm chí 100% so với giá bán bên ngoài nhưng các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái An (Nghệ An) lại bị các bác sỹ “ép” mua. Trong khi đó, lãnh đạo của Bệnh viện này không hề hay biết!?
Gồng mình “gánh” giá thuốc
Trong đơn phản ánh gửi đến PV báo điện tử Dân trí, các bệnh nhân đang nằm điều trị tại khu B - Bệnh viện Đa khoa Thái An (Nghệ An) đều tỏ ra hết sức bất bình trước việc nhà thuốc của bệnh viện này bán thuốc với giá “cắt cổ” so với giá niêm yết ở ngoài thị trường. Tuy nhiên, khi các bệnh nhân mang đơn thuốc mà các bác sỹ kê đơn ra mua ở bên ngoài để điều trị thì bệnh viện lại từ chối điều trị tiếp.
Theo tường trình của bệnh nhân Trần Thị Hương (58 tuổi, trú tại khối 5, phường Đội Cung, TP Vinh), ngày 13/9 bà bị hoa mắt, chóng mặt và được người nhà đưa đi khám tại bệnh viện Đa khoa Thái An. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán bà Hương bị cao huyết áp. Do các loại thuốc nằm ngoài danh mục bảo hiểm y tế nên các bác sỹ kê đơn cho bà các loại thuốc: Citicolin 500mg (xuất xứ Hàn Quốc), Ecomin 500mg (xuất xứ Ấn Độ) và bơm kim tiêm.
Cùng thời điểm đó, chị Võ Thị Huệ (35 tuổi, giáo viên trường THPT Quỳ Hợp 2) cũng nằm điều trị tại bệnh viện này do bị cao huyết áp cũng được các bác sỹ kê đơn tương tự như bà Hương. Tổng số tiền hóa đơn thanh toán mà chị Huệ mua tại nhà thuốc bệnh viện là 710.000đ. Bà Hương cho biết: “Khi người nhà của tôi đem đơn thuốc mà bệnh viện kê ra mua ở ngoài thì giá chỉ hết 312.000đ. Mặc dù chúng tôi đã đưa hóa đơn mua thuốc của nhà thuốc được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép nhưng phía bệnh viện nhất quyết không sử dụng với lý do thuốc ở bên ngoài không đảm bảo?”. “Trong khi giá cả dịch vụ y tế liên tục tăng mà giá bán thuốc trong bệnh viện tăng một cách khó hiểu như thế này làm chúng tôi cũng lao đao”- bà Hương than thở.
Cùng tình cảnh với bà Hương, ông Trần Xuân Diệu (81 tuổi, trú tại khối 8, phường Đội Cung, TP Vinh) bị bệnh tiền đình nhồi máu não điều trị tại bệnh viện Đa khoa Thái An cũng sử dụng loại thuốc Citicolin 500mg (xuất xứ Hàn Quốc). Sau khi dùng hết 1 hộp mua tại nhà thuốc bệnh viện, sau đó ông đưa đơn thuốc ra mua bên ngoài thì giá thuốc cũng chỉ bằng một nửa so với của bệnh viện.
Ông Diệu bức xúc nói: “Hộp thuốc bên ngoài tôi mua chỉ hết 200.000đ, trong khi đó nhà thuốc bệnh viện bán với giá 400.000đ. Bản thân tôi từng hoạt động cách mạng và tham gia bảo hiểm y tế đầy đủ nhưng không hiểu sao nhà thuốc lại bán giá cao như vậy. Loại thuốc tôi mua theo đơn của bác sỹ, có nguồn gốc như nhau nhưng bác sỹ lại không điều trị cho tôi. Không biết có bao nhiêu mặt hàng thuốc được bệnh viện bán cho bệnh nhân với giá cao hơn nhiều so với giá niêm yết”.
Ngay sau đó, PV Dân trí đưa vỏ thuốc Citicolin 500mg mà nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa Thái An đã bán cho bệnh nhân khảo sát tại các đại lý bán thuốc sỉ và nhà thuốc bán lẻ trên địa bàn TP Vinh và đều được các dược sỹ đều khẳng định giá thuốc này chỉ dao động từ 190.000 - 220.000 đồng. “Nếu là thuốc có cùng tên thuốc, hàm lượng, dạng bào chế, hãng sản xuất và nước sản xuất khi được nhập và bán ra thị trường thì giá cả chênh lệch nhau không lớn lắm. Như loại thuốc Citicolin 500mg có nguồn gốc từ Hàn Quốc này chúng tôi chỉ bán 190.000đ/hộp/10 ống”, chị T.- một dược sỹ trên đường Trần Hưng Đạo cho biết.
Tương tự, giá 1 hộp Ecomin 500mg (30 viên, xuất xứ Ấn Độ) ở các quầy thuốc bên ngoài chỉ có giá 114.000 đồng, trong khi đó nhà thuốc bệnh viện Thái An đã bán cho bệnh nhân với giá 300.000 đồng. “Chúng tôi nằm điều trị ở bệnh viện chỉ biết đi mua theo đơn của bác sỹ, còn giá cả như thế nào cũng không nắm được vì bệnh viện không niêm yết giá cụ thể từng loại thuốc”, ông Trần Xuân Diệu cho biết.
Nhà thuốc bệnh viện “qua mặt” bệnh viện?
Sau khi điều tra, thu thập thông tin về các loại thuốc, PV Dân trí đã đem sự việc trên trao đổi với ông Thái Doãn Nguyệt, PGĐ Bệnh viện Đa khoa Thái An và được ông này cho biết, trước đây khi mới đi vào hoạt động thì bệnh viện không có nhà thuốc. Năm 2007, do có nhiều trường hợp bị phản ứng thuốc mua ở bên ngoài nên bệnh viện mới có chủ trương mở quầy thuốc để đảm bảo nguồn gốc, chất lượng các loại thuốc điều trị cho các bệnh nhân.
Ông Nguyệt cho rằng: “Hiện nay, nhà thuốc bệnh viện có 6 dược sỹ, trong đó có 1 dược sỹ đại học đảm nhiệm việc bán thuốc cho bệnh nhân trong bệnh viện. Tất cả thuốc đều được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc từ đầu vào. Chúng tôi cũng quy định, các bệnh nhân nằm điều trị trong bệnh viện thì phải mua thuốc của nhà thuốc bệnh viện, nếu mua ở ngoài thì chúng tôi không chịu trách nhiệm nếu có trường hợp xấu xảy ra”.
Ông Nguyệt cũng thừa nhận, do là bệnh viện tư nên bệnh viện phải tăng giá thuốc để có đủ chi phí chi trả cho 6 nhân viên bán thuốc của quầy thuốc. Giá bán các mặt hàng thuốc cũng được bệnh viện “áp giá” bán ra bình quân tăng 20%. Thế nhưng, khi chúng tôi đưa hóa đơn so sánh giá thuốc của nhà thuốc bệnh viện với một nhà thuốc bên ngoài thị trường (đơn thuốc được kê với các loại thuốc như nhau-PV), ông Nguyệt cũng “ngã ngửa” bởi giá thuốc chênh lệch quá lớn.
“Bệnh viện chỉ quản lý điều hành hoạt động, tổ chức bộ máy nhân sự nhà thuốc, còn quản lý tài chính là do một tổ nhận khoán. Lợi nhuận bán thuốc chỉ khoảng 20% còn việc tăng cao hơn thì chúng tôi không kiểm soát được, có thể chúng tôi bị nhà thuốc qua mặt!?”, ông Nguyệt lý giải.
Ông Nguyệt cũng cho biết thêm: “Trong tuần này, chúng tôi sẽ cho họp hội đồng quản trị bệnh viện để kiểm tra lại quy trình bán thuốc cũng như giá các loại thuốc cụ thể của nhà thuốc. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của bệnh viện”.
Thực tế, việc tự ý “áp giá” tăng 20% bình quân các loại thuốc, trong đó nhiều mặt hàng thuốc tăng “đột biến” của nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa Thái An đã làm trái với điểm 4, điều 6, thông tư 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 của Bộ Y tế về quy định tổ chức và hoạt động của co sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện: “Giá bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm giá mua ghi trên hóa đơn và thặng số bán lẻ; giá bán lẻ không được cao hơn giá thuốc cùng loại trên thị trường (là thuốc có cùng tên thuốc, hàm lượng, dạng bào chế, hãng sản xuất và nước sản xuất).
Có hay không việc móc nối giữa bác sỹ và nhà thuốc để “kiếm lời”? Số tiền chênh lệch giá thuốc mà nhà thuốc bệnh viện bán cho hàng ngàn bệnh nhân đã điều trị suốt thời gian qua sẽ rơi vào “túi” ai? Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý tình trạng giá thuốc đang “nhảy máu” tại Bệnh viện Đa khoa Thái An để người dân được yên tâm điều trị.
Nguyễn Phê - Doãn Hòa