Bệnh viện Trung ương Huế:

Bệnh nhân tai biến mạch máu não nguy kịch vì bị hóc xương cá

(Dân trí) - Ngày 17/11, tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho hay vừa thực hiện thành công nội soi lấy dị vật đường thở cho một trường hợp bệnh nhân liệt nửa người do mắc xương cá.

Dị vật là mảnh xương cá có kích thước khoảng 0,7x2,7cm ở thùy dưới phế quản phổi phải.

Theo đó, ông V.K. (63 tuổi, trú tại 128 đường Phan Thanh, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cách đây 1 tháng trước, vì ho và đau nhiều ở vùng cột sống cổ lưng, kèm sốt 39 độ nên đến khám ở 1 bệnh viện ở TP Đà Nẵng.

Tại đây, bệnh nhân được cho chụp phim CT Scan để kiểm tra. Kết quả nghi ngờ có dị vật, nên được tiếp tục làm nội soi thì phát hiện dị vật xương cá, nằm ở vị trí phân thuỳ dưới (phải) gây viêm và phù nề toàn bộ niêm mạc xung quanh.

Sau đó, bệnh nhân được các bác sỹ thực hiện nội soi gắp dị vật 2 lần. Tuy nhiên, do không thành công nên sức khoẻ trở nên trầm trọng hơn. Bởi bản thân bệnh nhân bị liệt nửa người do di chứng tai biến mạch máu não cách đây 10 năm.

Mảnh xương cá 0,7x2,7cm sau khi gắp ra
Mảnh xương cá 0,7x2,7cm sau khi gắp ra

Bệnh nhân V.K được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế ngày 12/11. Vào sáng 16/11 đã được thực hiện nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật.

BS CKII. Hoàng Thị Lan Hương, Trưởng khoa Nội Nội tiết - Thần kinh - Hô hấp, Phó khoa Nội soi Bệnh viện Trung ương Huế - người trực tiếp thực hiện nội soi lấy dị vật cho biết: “Việc lấy được dị vật ra không dễ dàng chút nào, đòi hỏi người bác sỹ hết sức khéo léo, cẩn thận và có kinh nghiệm.

Mảnh xương cá khá sắc, nhọn, đang cắm vào nhánh phế quản B10 ở thuỳ dưới bên phải, gây niêm mạc phế quản viêm đỏ, phù nề nhiều và rất dễ chảy máu. Dị vật đã được lấy ra sau gần 20 phút”.

Qua tiếp xúc và hỏi gia đình bệnh nhân thì được biết, cho đến nay vẫn chưa xác định được thời gian và lý do tại sao bệnh nhân bị mắc xương cá. Nhưng vì gần đây, bệnh nhân cảm thấy khó chịu, ho và đau ngực, lưng nên đi khám mới phát hiện.

Lý giải cho trường hợp này, theo BS Hoàng Thị Lan Hương, bệnh nhân bị di chứng tai biến mạch máu não, có liệt dây thanh âm kèm theo nên khi sặc dị vật vào đường thở đã không có hội chứng xâm nhập trên lâm sàng hoặc chỉ nhẹ nhàng nên bệnh nhân đã không biết, bỏ qua. Chỉ đến khi bệnh nhân có biểu hiện của viêm phổi mới vào viện, được nội soi phế quản và phát hiện ra.

Hiện tại vào hôm nay (17/11), tình trạng bệnh nhân V.K đã ổn định, không đau, không sốt, tiếp xúc tốt và chuẩn bị ra viện.

BS. Hoàng thị Lan Hương với bệnh nhân V.K qua cơn nguy kịch
BS. Hoàng thị Lan Hương với bệnh nhân V.K qua cơn nguy kịch

Được biết đây là trường hợp dị vật phế quản bị bỏ quên đã được gắp thành công, là ca dị vật đường thở thứ 14 đã được BS Hương thực hiện thành công qua nội soi phế quản ống mềm.

Để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra, BS Hoàng Thị Lan Hương có lời khuyến cáo đối với người già, đặc biệt là người bị tai biến mạch máu não có di chứng liệt dây thần kinh hầu họng, phải hết sức chú ý khi ăn uống, nên ăn chậm, nhai kỹ, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, tốt nhất nên lấy bỏ hết xương trước khi ăn.

Duy Hải – Đại Dương