1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm ghép 2 – 3 người/giường vì quá tải

(Dân trí) - Tại BV Thanh Nhàn, nơi phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) lớn từ quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng đang xảy ra quá tải với 2 – 3 bệnh nhân/giường bệnh. Số bệnh nhân nhập viện điều trị tại đây gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Dồn phòng, kê thêm giường vẫn nằm ghép

BS Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết, hiện BV đang điều trị cho 520 bệnh nhân SXH nằm nội trú.

“Tình trạng quá tải bệnh nhân SXH này chưa từng xảy ra trước đó. BV dồn đủ các phòng, khoa để lấy giường cho bệnh nhân SXH mà vẫn kín giường, bệnh nhân SXH nằm ghép 2 – 3 người/giường”, BS Hương nói.

Bệnh nhân SXH nằm ghép tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội).
Bệnh nhân SXH nằm ghép tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội).

Để giải quyết tình trạng bệnh nhân SXH tăng đột biến, tại 3 khoa của bệnh viện đã phải dồn phòng của nhân viên y tế kê thêm giường bệnh, tăng cường bác sĩ trực. Như tại khoa Cấp cứu trước đây một kíp trực chỉ 3 bác sĩ trực nay tăng lên 5; BV triển khai thêm đơn vị điều trị SXH ban ngày theo dõi những bệnh nhân nhẹ nhưng vẫn quá tải.

BS Hương cho biết thêm, bệnh viện cũng thực hiện phân loại chặt chẽ, chỉ những bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo mới nhập viện nhưng số bệnh nhân tăng nhanh, số điều trị tại viện gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái nên không tránh được tình trạng quá tải.

Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương sáng 4/8 cũng tràn bệnh nhân SXH đến khám. PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, số lượng bệnh nhân SXH đến khám vẫn duy trì ở mức trên dưới 600 ca/ngày, số nhập viện không đến 10%. “Con số bệnh nhân đến khám vì SXH tăng gấp 4 – 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái”, TS Kính nói.

Bệnh nhân chờ khám SXH tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương sáng 4/8. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân chờ khám SXH tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương sáng 4/8. Ảnh: H.Hải

Các bác sĩ căng ra làm việc, trực chiến liên tục, đi làm cả thứ 7, chủ nhật, làm sớm giờ, chuyển bệnh nhân truyền nhiễm sang cơ sở 2, dành cơ sở 1 ở Giải Phóng cho bệnh nhân SXH… nhưng vẫn đáp ứng không xuể do số lượng bệnh nhân đến khám quá đông.

“Trong khi đó, BV đã thực hiện chặt chẽ việc phân tuyến, các bệnh viện của Hà Nội, bệnh viện vệ tinh đã “chia lửa” rất nhiều con số khám vẫn ở mức rất cao”, TS Kính cho biết.

Bổ sung hơn 8,5 tỷ phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Trước diễn biến phức tạp của SXH với 9000 ca mắc, 4 ca tử vong, số mắc vẫn tiếp tục tăng lên với trên 2000 ca mắc mới một tuần, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5006 về việc bổ sung kinh phí tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố năm 2017.

Theo đó, Hà Nội trích 8,567 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của ngân sách thành phố năm 2017, bổ sung dự toán chi ngân sách cho Sở Y tế để thực hiện phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

UBND TP giao Sở Y tế quyết định việc mua sắm bổ sung hóa chất, sinh phẩm, vật tư và máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và không thực hiện việc mua sắm tập trung.

Sở Y tế hoàn toàn chịu trách nhiệm về danh mục và số lượng hóa chất, sinh phẩm, vật tư, máy móc thiết bị phòng chống dịch và mua sắm bổ sung, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định.

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp và chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Trong khi đó, các năm trước, tháng 7-8 chỉ xuất hiện rải rác, tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 11. Tính trung bình,mỗi năm ở Hà Nội chỉ có từ 5.000 đến 6.000 trường hợp mắc SXH, chỉ riêng năm 2009 là 16.000 ca mắc và 4 tử vong; hay gần 15,5 ngàn ca vào năm 2015.

Hồng Hải