Bệnh “da lạ” ở Quảng Ngãi là do nấm độc

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho biết trong số 6 bệnh nhân viêm dày sừng lòng bàn tay bàn chân ở huyện Ba Tơ và huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), có 4/6 bệnh nhân có dày sừng, tổn thương da nhưng không có hiện tượng men gan tăng như trước đây.

 
Bà Phạm Thị Ngắp, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, tái phát bệnh “lạ” - Ảnh: Võ Minh
Bà Phạm Thị Ngắp, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, tái phát bệnh “lạ” - Ảnh: Võ Minh
 

Theo ông Bình, đây là đặc điểm khác lạ của căn bệnh này từ đầu năm 2013, nhưng phải đợi kết luận của đoàn công tác thuộc Viện Da liễu T.Ư và Viện Pasteur Nha Trang mới xác định được.

 

Trả lời về nguyên nhân dẫn đến bệnh “lạ” (Bộ Y tế đã công bố tìm ra căn nguyên bệnh “lạ” là 1 trong 10 thành tựu y tế năm 2012), ông Bình cho hay: kết quả xét nghiệm mẫu gạo mà bà con ở vùng cao điểm bệnh “lạ” là xã Ba Điền, huyện Ba Tơ sử dụng tại phòng thí nghiệm ở Hong Kong tìm thấy một số loại nấm độc trong gạo nhưng chưa chỉ ra chính xác loại nấm nào là tác nhân cụ thể.

 

Trước tình trạng liên tiếp xuất hiện bệnh nhân bệnh “lạ” trở lại, ngày 5/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công điện gửi chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, đề nghị cung cấp gạo đảm bảo chất lượng cho người dân vùng bệnh “lạ”, không để người dân sử dụng gạo cũ, bảo quản không đảm bảo, đồng thời hướng dẫn người dân xử lý triệt để vi nấm mốc tại nơi chứa thóc gạo. Theo ông Bình, từ giữa năm 2012, Chính phủ đã cấp 250 tấn gạo cho người dân vùng bệnh “lạ”, nhưng gạo được cấp đã hết từ tháng 1 vừa qua.

 

Trong khi đó, ông Phạm Văn Bút, chủ tịch UBND xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, cho hay dân vùng bệnh “lạ” được cấp gạo trắng 15kg/khẩu/tháng, rồi tháng 8-2012 thì huyện cấp được 4kg gạo/khẩu/tháng, từ đó đến nay không thấy cấp gạo trắng nên người dân địa phương ăn gạo ủ do họ tự sản xuất. Song ông Hồ Minh Nên, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết khi vào nhà của vợ chồng ông Đinh Văn Hoàn đang bị bệnh “lạ” để kiểm tra gạo, cơm, sau khi ăn thử thì nhận xét “gạo không mốc, cơm không ôi thiu”.

 

Trong ngày 5/3, Sở Y tế Quảng Ngãi tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Da liễu T.Ư đi thăm khám các ca bệnh “lạ” ở Ba Tơ và thị sát vùng bệnh “lạ” Ba Điền.

 

Theo L.Anh – V.Minh

Tuổi trẻ