“Bệnh lạ” Quảng Ngãi không thể là bệnh “ghẻ cóc”

(Dân trí) - Trước thông tin cho rằng, bệnh viêm da dày sừng tại Quảng Ngãi thực chất là bệnh “ghẻ cóc”, nhiều chuyên gia đã từng nhiều lần thực tế tại địa bàn này khẳng định: “Bệnh lạ” Quảng Ngãi không thể là bệnh “ghẻ cóc”.

PGS.TS Trần Hậu Khang, Giám đốc bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh “ghẻ cóc” là căn bệnh quá thông thường mà tôi cho rằng ai cũng có thể loại trừ ngay từ đầu. Vì thế, không nên đưa những thông tin nhận định không có cơ sở khiến người dân hoang mang”.
 
Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế cũng vừa trở về từ Quảng Ngãi sau nhiều ngày thị sát tại đây, khi xuất hiện bệnh nhân mới. Tại thời điểm khảo sát cách đây hơn 1 tuần, số bệnh nhân mắc bệnh viêm da dày sừng tại địa phương này là 13 trường hợp. Đến hôm nay, sau khi Sở Y tế Quảng Ngãi thực hiện khám sàng lọc người dân ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi thì số bệnh nhân được ghi nhận là 16 trường hợp.
 
Các chuyên gia khẳng định: Căn bệnh viêm da dày sừng ở QuảngNgãi không thể là bệnh ghẻ cóc.

Các chuyên gia khẳng định: Căn bệnh viêm da dày sừng ở QuảngNgãi không thể là bệnh "ghẻ cóc".
 
Một bác sĩ đang công tác tại Viện Da liễu cho biết, bản thân ông cũng không cho rằng bệnh viêm da dày sừng ở Quảng Ngãi là bệnh “ghẻ cóc”. Vị bác sĩ này cũng chia sẻ, không chỉ Bộ Y tế mà tất cả các chuyên gia đều đang rất tập trung, lao tâm khổ tứ tìm hiểu về căn bệnh này. “Tất cả những gì mình biết chỉ như hạt cát rất nhỏ, cái chưa biết còn rất lớn. Khoa học không thể nào biết hết được. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, có những bệnh hàng vài chục năm sau người ta mới xác định được được”, bác sĩ này nói. Theo PGS.TS Trần Hậu Khang, đến thời điểm hiện tại, những phát hiện về bệnh không có gì thay đổi so với nội dung mà về Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã nhiều lần họp và Bộ Y tế đã ban hành phác đồ hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh này tại cơ sở y tế trên toàn quốc khi gặp các biểu hiện tương tự.

Theo đó, căn “bệnh lạ” khiến nhiều người dân ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi bỗng nhiên bị tổn thương da, dày sừng, lở loét lòng bàn tay, bàn chân, nhiễm độc gan và tiến triển nhanh nếu không được điều trị, thậm chí dẫn đến tử vong đã được các nhà khoa học "gọi tên" là bệnh viêm da dày sừng bàn tay và bàn chân.

Đối tượng thường bị nặng là trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải; người già trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người lớn mắc các bệnh mạn tính.

PGS.TS.Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, người đã 4 lần trực tiếp cùng đoàn công tác của Bộ y tế và Bệnh viện Bạch Mai vào khảo sát, điều tra tại Quảng Ngãi nhận định, căn bệnh viêm da dày sừng xảy ra tại Quảng Ngãi có liên quan đến yếu tố nhiễm độc và thời tiết.

Theo lý giải của TS Phạm Duệ, qua thống kê các ca mắc bệnh viêm da dày sừng tại Quảng Ngãi cho thấy, cứ từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm tỷ lệ người mắc bệnh viêm da dày sừng lại tăng. Từ thống kê này, TS Duệ cho rằng, có mối liên quan giữa căn bệnh này với yếu tố thời tiết nóng ẩm.

Ngoài ra, TS Duệ cũng cho rằng, các ca mắc bệnh liên quan nhiều đến yếu tố nhiễm độc. Bởi trên thực tế, các ca mắc bệnh viêm da dày sừng có viêm gan và tử vong trong năm 2012 tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, qua sinh thiết và tử thiết đều thấy chủ yếu là do nhiễm độc. Yếu tố nguy cơ có thể do gạo, ngũ cốc của bà con dân tộc bị nhiễm nấm mốc. Thực tế đoàn công tác của BộY tế và Bệnh viện Bạch Mai cho thấy bà con dân tộc của huyện Ba Tơ thường ăn gạo lúa ủ bị nấm mốc, khoảng 20% các mẫu gạo và ngũ cốc của bà con bị nhiễm nấm aspergillus, loại nấm sản sinh ra aflatoxin, độc tố có thể gây độc cho gan và làm tổn thương da”, TS Duệ nói.

Một bác sĩ công tác tại viện Da liễu trung ương và cũng có nhiều chuyến đi thực tế đến địa phương này cho rằng, nhận định bệnh này liên quan đến yếu tố thời tiết cũng là một điểm đáng để xem xét. Bởi năm 2012, thời điểm tháng 3 - 4 cũng bắt đầu xuất hiện nhiều bệnh nhân. “Tuy nhiên mới chu kỳ hai năm nên chưa nói lên được điều gì mà còn phải tiếp tục nghiên cứu”.

Theo BS này, người dân huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cũng đã có nhiều “tiến bộ” khi cộng tác với chính quyền, sử dụng gạo mới được cấp phát thay vì gạo ủ theo truyền thống.

Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng bệnh viêm da bàn tay và bàn chân, người dân cần vệ sinh môi trường sạch sẽ bằng cách tăng cường rửa tay, chân bằng nước sạch, nhất là sau khi làm việc ở nương rẫy; tránh tiếp xúc với các hóa chất, nhất là các thuốc trừ sâu diệt cỏ; sử dụng các phương tiện bảo hộ an toàn, đúng quy cách khi phải thực hiện các hoạt động trên nương rẫy: ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh.

Hồng Hải