Bên trong khu điều trị kỹ thuật cao tại bệnh viện 130 năm tuổi ở TPHCM

Hoàng Lê

(Dân trí) - Khu điều trị kỹ thuật cao quy mô 279 tỷ đồng đi vào hoạt động sau hơn 750 ngày xây dựng, giúp bệnh viện 130 năm tuổi tại TPHCM thoát cảnh làm việc với cơ sở hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp thời gian dài.

Bên trong khu điều trị kỹ thuật cao tại bệnh viện 130 năm tuổi ở TPHCM - 1

Bệnh viện Nguyễn Trãi tiền thân là Y viện Phước Kiến (Ảnh: Hoàng Lê).

Bệnh viện Nguyễn Trãi tiền thân là Y viện Phước Kiến, do cộng đồng người Hoa thành lập hơn 100 năm trước, điều trị theo Đông y. Đến năm 1959, Y viện đổi tên thành Bệnh viện Phước Kiến, điều trị theo phương pháp Âu - Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, nơi này đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Trãi vào năm 1978.

Năm 2003, Bệnh viện Nguyễn Trãi được công nhận là bệnh viện đa khoa hạng 1, trực thuộc Sở Y tế TPHCM. Hiện tại, bệnh viện hoạt động với quy mô 800 giường bệnh và khoảng 1.000 nhân viên y tế.

Ngày 21/2, khu điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Nguyễn Trãi (TPHCM) chính thức được khánh thành.

Có mặt tại buổi khánh thành tòa nhà, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, với lịch sử 130 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Nguyễn Trãi luôn là địa chỉ chăm sóc sức khỏe tin cậy của nhân dân, cán bộ và lãnh đạo TPHCM qua các thời kỳ.

Khu điều trị kỹ thuật cao được khởi công xây dựng vào ngày 19/7/2018 và hoàn thành vào ngày 30/9/2022, bao gồm 9 tầng nổi, 1 tầng hầm, quy mô 7 khoa phòng điều trị và 300 giường bệnh nội trú.

Tổng diện tích sàn xây dựng của khu nhà là 17.480m2, với tổng vốn đầu tư 279 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của TPHCM.

Bên trong khu điều trị kỹ thuật cao tại bệnh viện 130 năm tuổi ở TPHCM - 2

Khu điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ Quách Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, mỗi ngày nơi đây đón khoảng 2.000 lượt khám bệnh ngoại trú và điều trị cho 800 bệnh nhân nội trú. Sau đại dịch Covid-19, cơ cấu bệnh tật của bệnh viện có sự thay đổi, khi bệnh nhân nặng vào viện nhiều hơn.

Bên trong khu điều trị kỹ thuật cao tại bệnh viện 130 năm tuổi ở TPHCM - 3

Bệnh nhân nặng điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Khu điều trị kỹ thuật cao không chỉ là một khối nhà mới thay thế cho cơ sở hạ tầng vốn đã cũ kỹ, xuống cấp mà còn là một điều kiện tiên quyết để các thầy thuốc của bệnh viện có cơ hội phát triển hơn nữa các kỹ thuật điều trị chuyên sâu, cung ứng các loại hình dịch vụ y tế chất lượng cao, góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Theo bác sĩ Hưng, ngay từ những năm 1999-2000, Bệnh viện Nguyễn Trãi đã tiếp nhận máy DSA từ tổ chức REAP (Hoa Kỳ) và bác sĩ nơi đây đã được đào tạo kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch từ các chuyên gia nước ngoài. Nhờ đó, đơn vị tim mạch của bệnh viện được ra đời từ rất sớm và đã phát triển thành các khoa tim mạch hiện nay.

Bệnh viện còn thực hiện được kỹ thuật nội soi can thiệp xâm lấn tối thiểu, nội soi không đau, giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý dạ dày, đại tràng, tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa, điều trị các tổn thương ung thư sớm.

Tại đây, các bác sĩ có thể thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu, các phẫu thuật lớn, phức tạp trong lĩnh vực Ngoại khoa như: cắt ung thư thực quản - tạo hình thực quản bằng phẫu thuật nội soi không mở ngực, phẫu thuật thay khớp háng thành công cho nhiều trường hợp hoại tử chỏm xương đùi.

Bên trong khu điều trị kỹ thuật cao tại bệnh viện 130 năm tuổi ở TPHCM - 4

Bên trong khoa Cấp cứu đặt tại khu kỹ thuật cao của Bệnh viện Nguyễn Trãi (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngoài ra, khi khối nhà mới đi vào hoạt động, khoa Cấp cứu và khoa Hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện sẽ được bố trí tại đây, tạo điều kiện để phát triển chuyên khoa Hồi sức.

Lãnh đạo thành phố mong muốn bệnh viện đưa vào khai thác tòa nhà hiệu quả nhất, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu để phục vụ cho không chỉ người dân TPHCM mà còn của các tỉnh trong khu vực.