(Dân trí) - Nhiều bác sĩ tại TPHCM trong quá trình chống dịch không may nhiễm Covid-19 và chịu các hậu quả dai dẳng sau đó, trong đó có hội chứng "sương mù não".
Hội chứng "sương mù não" hậu Covid-19: Khi bác sĩ trở thành nạn nhân
(Dân trí) - Nhiều bác sĩ tại TPHCM trong quá trình chống dịch không may mắc Covid-19 và chịu các hậu quả dai dẳng sau đó, trong đó có hội chứng "sương mù não".
Thống kê đến thời điểm hiện tại, TPHCM có hơn 300.000 người từng mắc Covid-19 được xuất viện. 2/3 trong số này có nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt di chứng như mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài, giảm sự tập trung… Các bất thường không chỉ liên quan đến hệ hô hấp mà còn ảnh hưởng về rối loạn tâm lý, rối loạn giấc ngủ, suy giảm nhận thức... cho không chỉ bệnh nhân mà cả với nhân viên y tế.
"Sương mù não" tấn công bác sĩ hậu Covid-19
Những ngày tháng 8/2021, khi đang tham gia điều trị các bệnh nhân hậu Covid-19, bác sĩ K.T. (31 tuổi), khoa Tim mạch 3, Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi (TPHCM) phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Vì sớm được tiêm hai mũi vaccine, chỉ điều trị ít ngày, bác sĩ T. đã khỏi bệnh. Tuy nhiên đến tuần thứ 4 sau nhiễm, nữ bác sĩ bắt đầu xuất hiện vấn đề về trí nhớ. Có lúc bệnh nhân đã khai bệnh, bác sĩ T. khám xong lại quên cho thuốc hay tư vấn. Tần suất công việc bị ảnh hưởng trầm trọng, khiến cô phải báo cáo với lãnh đạo khoa giảm tải công việc.
Ngoài ra, nhịp tim của cô cũng nhanh bất thường, chỉ cần leo cầu thang khoảng 2 lầu hoặc làm gì nhanh vội là đều thấy mệt và phải thở gắng sức.
"Tôi phải tập vật lý trị liệu phổi một tháng sau nhiễm và uống thuốc hỗ trợ thần kinh. Dù hiện tại có cải thiện hơn nhưng trí nhớ vẫn còn bị ảnh hưởng" - bác sĩ T. nói.
BS CK2 Lê Hiền Cẩm Thu, Trưởng khoa Tim Mạch 3, BV Nguyễn Trãi nhớ lại, có thời điểm bác sĩ T. gần như không nhớ gì, đến nỗi quên cả viết phác đồ điều trị, đi học nâng cao chuyên môn cũng quên trước quên sau, giống như "người trên mây". Bác sĩ T. có dấu hiệu điển hình của hội chứng "sương mù não" như kém tập trung, suy giảm trí nhớ, lơ mơ về tinh thần, gặp khó khăn trong công việc.
Nguyên nhân của tình trạng này sau nhiễm Covid-19 có thể do viêm não, tổn thương phổi gây thiếu oxy não, rối loạn tự miễn dịch hoặc do căng thẳng, làm việc quá sức…
Chia sẻ thêm với PV Dân trí, bác sĩ T. cho biết từ lúc phòng khám hậu Covid-19 của BV thành lập vào tháng 9, cô cũng gặp các trường hợp bị ảnh hưởng đến trí nhớ tương tự như mình. Nhất là ở người già, vì độ tuổi cao thì thành mạch xơ cứng và thường có các bệnh nền như huyết áp, tiểu đường gây mỡ máu, xơ vữa mạch máu não.
Lại có nhiều trường hợp bệnh nhân dù trước đó trẻ, khỏe nhưng sau khi nhiễm bệnh không thể chơi các môn thể thao vận động nhiều, tập thể dục cường độ cao cũng không được. Điều nguy hiểm là hiện tại, một bộ phận người dân mang tâm lý "thà nhiễm cho xong".
"3 tháng đầu, bệnh nhân hậu Covid-19 không nên vận động mạnh. Kể cả quan hệ vợ chồng cũng cần hạn chế vì lúc này bệnh nhân sẽ gắng sức nhiều, khiến nhịp tim nhanh, dễ dẫn đến thiếu oxy não, khó thở" - bác sĩ T. và cũng là một "cựu" F0 khuyến cáo.
Ở bệnh viện quá lâu cũng gây ám ảnh
Chị B.H., làm việc tại phòng điều dưỡng của BV Nguyễn Trãi cho biết, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, chị ở lại BV chống dịch. Tháng 8/2021, sau khi phát hiện mắc Covid-19, chị được đưa vào khoa Nhiễm, điều trị 2 tuần lễ bằng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm, thuốc trị viêm phổi. Vì thời điểm này chưa có thuốc đặc trị, chị cũng hơi lo lắng.
Chưa kịp vui mừng sau khi đã có kết quả âm tính, chị H. lại xuất hiện tình trạng hụt hơi và sức bền giảm sút thấy rõ thời gian đầu sau nhiễm. Ngoài ra, bệnh mất ngủ của chị tiếp tục tái phát như thời điểm trước khi dương tính SARS-CoV-2. Hậu Covid-19, người phụ nữ phải áp dụng các bài tập hỗ trợ hô hấp liên tục, và phải đi kiểm tra sức khỏe toàn diện. Hiện tại dù đã gần 6 tháng khỏi bệnh, chị H. cho rằng mình chỉ hồi phục khoảng 90% thể trạng trước đây.
Sau khi đã trải qua việc trở thành F0 và gánh chịu di chứng, chị H. khuyên mọi người dù đã tiêm đủ mũi vaccine vẫn không được chủ quan mà phải luôn tuân thủ 5K để phòng bệnh, có chế độ ăn lành mạnh, dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, phải có thói quen tập thể dục, luyện tập bài tập tăng cường sức cơ, đặc biệt là cơ hô hấp vì sẽ giúp ích rất nhiều nếu chẳng may nhiễm bệnh.
Cũng từng tham gia điều trị Covid-19 tại khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc (ICU) của BV Nguyễn Trãi nên khi phát hiện nhiễm bệnh vào ít ngày trước, bác sĩ H.N. không quá lo lắng. Anh chỉ có triệu chứng nhẹ, cảm sốt, mất mùi và âm tính chỉ sau một tuần lễ.
Theo bác sĩ N., các trường hợp bệnh nền, béo phì là những bệnh nhân trong quá trình điều trị và cả thời điểm "hậu Covid-19" đều có khả năng biến chứng nặng. Ngoài ra, điều dễ khiến bệnh nhân ám ảnh nhiều nhất là việc bị giữ lại điều trị quá lâu.
"Có thời điểm theo quy định, F0 phải cách ly điều trị đến 21 ngày dù không có triệu chứng nặng, thậm chí đã xét nghiệm âm tính, khiến tinh thần bệnh nhân bị ảnh hưởng. Do đó, BV và người điều trị hãy cố gắng cho bệnh nhân về sớm nhất, khi đã hồi phục hoặc đủ điều kiện cách ly tại nhà. Mọi người hãy cố gắng suy nghĩ lạc quan tích cực, thường xuyên tập thể dục, sống lành mạnh" - bác sĩ F0 chia sẻ kinh nghiệm.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau nhiễm Covid-19 của BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho PV Dân trí biết, từ khi hoạt động vào cuối tháng 9, đến nay mỗi tháng Trung tâm điều trị cho hơn 1.000 trường hợp. Qua thống kê, ngoài di chứng điển hình là xơ phổi (chiếm 71%) thì các triệu chứng dấu hiệu của "sương mù não" như mất ngủ, suy giảm trí nhớ chiếm gần 40% trường hợp.
Với những bệnh nhân này, BV sẽ điều các chuyên gia tâm lý hỗ trợ điều trị, với liệu trình trong 2 tuần. Chuyên gia sẽ hỏi bệnh sử và tham vấn để ổn định tinh thần cho bệnh nhân.
"Đa số bệnh nhân đều cải thiện tốt sau liệu trình điều trị tâm lý. Chúng tôi không muốn bệnh nhân lệ thuộc vào thuốc, nên chỉ có các trường hợp quá nặng, không còn cách nào khác thì mới điều trị bổ sung bằng các thuốc hỗ trợ giấc ngủ" - bác sĩ Sang cho biết.
Bác sĩ Sang cảnh báo thực trạng nhiều bệnh nhân hậu Covid-19 vẫn rất chủ quan, nghĩ các triệu chứng như hụt hơi, suy giảm thể lực là nhẹ, sẽ tự "lướt" qua mà không biết mình có thể gặp nguy hiểm. Thay vào đó, bệnh nhân nếu thấy biến chứng bất ngờ phải đi BV ngay để được phát hiện, can thiệp và xử trí kịp thời.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng hậu Covid-19 xuất hiện ở người bệnh thông thường khoảng 3 tháng kể từ lúc nhiễm bệnh. Các triệu chứng này thường kéo dài ít nhất 2 tháng và không được giải thích bằng các bệnh lý khác, bao gồm:
- Toàn thân: Mệt mỏi kéo dài, sụt cân, bứt rứt, cảm giác sức khỏe kém hơn trước, hay vã mồ hôi.
- Hô hấp: Ho khan kéo dài, tức ngực, khó thở đặc biệt khi gắng sức, ngáy và ngưng thở khi ngủ.
- Tim mạch: Đau ngực, tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, suy tim.
- Thần kinh: Chóng mặt, đau nhức các cơ, mỏi cơ, mau quên, khó tập trung, không suy nghĩ được (hiện tượng não sương mù), đau đầu và đột quỵ.
- Tâm thần: Lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, hoảng sợ.
- Da: Nổi ban đỏ ở da, sưng và đỏ các ngón tay và chân, chấm xuất huyết ở da, rụng tóc.
- Tiêu hóa: Biếng ăn, đau họng, khó tiêu, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa, nôn, buồn nôn.
- Tai mũi họng: Ù tai, nghe kém, mất mùi, mất vị giác, khó nói.
- Xương khớp: Đau khớp, phù chân, rối loạn vận động.
- Mắt: Đỏ mắt.
- Vấn đề kinh nguyệt.
Nội dung: Hoàng Lê
Ảnh: Hoàng Lê, BVCC