Bé trai bỏng nặng, tổn thương mắt do nước mì tôm đổ vào mặt

Minh Nhật

(Dân trí) - Liên tiếp trong 2 ngày 10 – 11/11, khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận và điều trị cho 4 trẻ bị bỏng nước sôi do sự bất cẩn của người lớn.

Trường hợp nặng nhất là cháu bé 12 tháng tuổi tên Q., quê Phú Yên. Lúc ở nhà, Q. bị nước nóng từ bát mì tôm đổ vào vùng mặt, cổ, tay gây bỏng 15% độ II.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các bác sĩ đã dùng thuốc xịt bỏng, gạc vô khuẩn băng vị trí bỏng cho bệnh nhi. Cùng với đó, sử dụng thuốc giảm đau, truyền dịch, kháng sinh và thay băng tại chỗ hàng ngày.

Bé trai bỏng nặng, tổn thương mắt do nước mì tôm đổ vào mặt - 1

Bệnh nhi Q. được các bác sĩ thay băng, chăm sóc (Ảnh: BVCC)

Đáng nói, Q. bị nước nóng bắn cả vào mắt nên hiện đang được các bác sĩ chuyên khoa mắt theo dõi sát tổn thương.

Bên cạnh Q., còn có bệnh nhi H., 12 tháng tuổi, địa chỉ tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị bỏng do nhúng chân vào chậu nước tắm chưa kịp hòa nước lạnh; bệnh nhi T., 15 tháng tuổi, địa chỉ tại quận Long Biên (Hà Nội), bị bỏng do với tay vào ấm siêu tốc đang đun, khiến nước sôi đổ vào người; bệnh nhi H., 6 tuổi, địa chỉ tại Cầu Giấy (Hà Nội), bị bỏng do bất cẩn ngã vào chậu nước sôi.

Theo Bác sĩ Nguyễn Nam Giang – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nguyên nhân chủ yếu của các tai nạn bỏng ở trẻ em là do người lớn không cẩn thận nên để trẻ bị phích nước sôi, thức ăn nóng hay các tác nhân gây bỏng khác đổ vào người.

Lứa tuổi bị bỏng nhiều nhất là từ 2 đến 5 tuổi, do độ tuổi này trẻ rất hiếu động, tò mò, muốn khám phá và chưa ý thức được nguy hiểm.

Tổn thương bỏng ở trẻ dễ để lại di chứng nặng nề

BS Giang phân tích: “Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ nên khi bị bỏng thường là bỏng sâu, điều trị bỏng rất khó khăn”.

Bé trai bỏng nặng, tổn thương mắt do nước mì tôm đổ vào mặt - 2

Bác sĩ Nguyễn Nam Giang – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ về tình trạng của một bệnh nhi bị bỏng

Tổn thương bỏng trẻ rất đa dạng, ở nhiều vị trí như: chân, lưng, cánh cẳng tay, đặc biệt là bàn tay, rất nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cũng như chất lượng sống của trẻ.

Đáng chú ý, các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản sau này của trẻ. Cùng với đó là thời gian điều trị lâu dài, tốn nhiều chi phí.

Do đó, điều quan trọng nhất là phải phòng tránh tai nạn bỏng ở trẻ nhỏ. Khi trông giữ, chăm sóc trẻ, các vị phụ huynh cần lưu ý:

- Trẻ nhỏ vốn hiếu động do đó cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, cần để phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa... ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được.

- Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong. Không để trẻ nhỏ tự tắm vòi nước nóng lạnh, nếu tắm chậu cho trẻ, cần đổ nước lạnh vào trước và hòa nước nóng sau, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ.

- Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu, cần tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên ăn thức ăn, uống nước nóng khi bế trẻ nhỏ…tránh trường hợp trẻ nghịch bị đổ gây bỏng.