Hà Nội: Nhiều trẻ em bị bỏng nặng do sự bất cẩn của người lớn

(Dân trí) - Hầu hết các trường hợp trẻ em bị bỏng đều do người lớn cho trẻ chơi gần nguồn nhiệt như phích nước sôi, ấm trà, đồ ăn nóng.

Hà Nội: Nhiều trẻ em bị bỏng nặng do sự bất cẩn của người lớn

Trong lúc bà đang pha nước ấm để tắm, bé M.Đ.T, 1 tuổi, Hà Nội, giãy mạnh khiến chân bị nhúng vào chậu nước sôi gây bỏng nặng.

Bà của T. xử lý bước đầu bằng cách ngâm chân cháu vào chậu nước mát sau đó đợi mẹ của T. về để đưa đến bệnh viện.

Hà Nội: Nhiều trẻ em bị bỏng nặng do sự bất cẩn của người lớn - 1

Bác sĩ Nguyễn Nam Giang – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nhận định về tai nạn bỏng của bé T.

Theo Bác sĩ Nguyễn Nam Giang – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bé T. nhập viện trong tình trạng bỏng nặng 2 chân.

Bé T. được điều trị bằng kháng sinh toàn thân, thường xuyên rửa vết thương và dùng thuốc bôi để sạch vết thương và kích thích liền thương.

Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhi này sức khỏe đã ổn định. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi và điều trị tổn thương bỏng.

Tình trạng bỏng ở trẻ em gia tăng mạnh

Theo BS Giang, thời gian gần đây, số lượng trẻ em bị tai nạn bỏng được đưa đến Bệnh viện để điều trị gia tăng đột biến.

BS Giang cho hay: “Các ca trẻ em bị bỏng chiếm tỉ lệ trên 50% số bệnh nhân bỏng mà chúng tôi tiếp nhận. Mỗi ngày, trung bình có 3-4 trẻ nhập viện do tai nạn bỏng”.

Hà Nội: Nhiều trẻ em bị bỏng nặng do sự bất cẩn của người lớn - 2

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ nên khi bị bỏng thường là bỏng sâu, điều trị bỏng rất khó khăn

Theo BS Giang, nguyên nhân chủ yếu của các tai nạn bỏng ở trẻ em là do người lớn không cẩn thận nên để trẻ bị phích nước sôi, thức ăn nóng hay các tác nhân gây bỏng khác đổ vào người.

“Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ nên khi bị bỏng thường là bỏng sâu, điều trị bỏng rất khó khăn. Do đó, phòng tránh không cho trẻ em bị bỏng là hết sức quan trọng”, BS Giang nhấn mạnh.

Thậm chí, một số trường hợp vết thương bỏng sâu phải mổ cắt hoại tử, ghép da và sẽ để lại di chứng rất nặng nề như co kéo, ảnh hưởng đến chức năng vận động của chân và tay.

Nguyên tắc phòng tránh và xử trí tai nạn bỏng ở trẻ em

Để phòng tránh tai nạn bỏng ở trẻ em, BS Giang khuyến cáo các gia đình nên tuân thủ những nguyên tắc sau:

– Để những thứ gây bỏng như nước sôi, phích nước, bao diêm bật lửa … ở xa tầm với của trẻ và ở nơi gọn gàng, tránh để giữa đường đi khiến người khác va phải.

– Bố trí bếp và nơi đun nấu xa tầm với của trẻ và sắp xếp gọn gàng.

Hà Nội: Nhiều trẻ em bị bỏng nặng do sự bất cẩn của người lớn - 3

– Không nên ăn thức ăn nóng khi đang bế trẻ, chơi đùa với trẻ. Khi đun nấu cần để các cán xoong chảo quay vào trong, tránh vô tình va phải gây bỏng.

Cũng theo chuyên gia này, công tác sơ cứu ban đầu rất quan trọng để tổn thương bỏng không nặng thêm.

Khi trẻ bị bỏng, cần nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch. Động thái này nhằm mục đích: giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.

Nếu không, có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần. Ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn. Đây là biện pháp quan trọng số một giúp giảm thiểu mức độ tổn thương.

Sau đó bảo vệ vết thương để tránh tổn thương và nhiễm trùng thêm bằng cách: dùng băng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, tránh băng quá chặt làm tổn thương tại vết bỏng nặng thêm.

Không được tiếp xúc trực tiếp với vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn làm cho vết bỏng nặng hơn. Động viên, trấn an bé, nếu trẻ đau nhiều thì dùng thuốc giảm đau (paracetamol).

Nếu vùng bỏng lớn thì không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra tách khỏi vết bỏng tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm.

Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử trí và đánh giá tổn thương của bỏng.