Bé gái Hà Nội mắc rubella dù đã tiêm 2 mũi vaccine
(Dân trí) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đây cũng là ca mắc rubella đầu tiên của TP trong năm nay. Đây là bé gái 7 tuổi ở huyện Đan Phượng.
Trước đó, trẻ đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng bệnh rubella. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh thường ở mức độ nhẹ, tuy nhiên, bệnh đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Vaccine phòng bệnh rubella bao gồm vaccine rubella đơn, vaccine phối hợp sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella.
Cũng như các vaccine khác, tiêm vaccine phòng rubella không có hiệu quả phòng bệnh tuyệt đối 100%. Đáp ứng miễn dịch còn tùy thuộc vào tuổi tiêm vaccine, loại vaccine, đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khỏe của từng người, chất lượng vaccine và kỹ thuật thực hành tiêm chủng. Chẳng hạn, hiệu quả bảo vệ của vaccine sởi - rubella là 95%.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus rubella gây ra. Phần lớn bệnh thường ở mức độ nhẹ, thường gặp ở trẻ em và thanh niên. Bệnh gây ra tác hại nguy hiểm đến sức khỏe của bà mẹ cũng như thai nhi nếu bà mẹ nhiễm virus trong thời kỳ mang thai.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị bệnh hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn lây nhiễm xảy ra từ 7 ngày trước cho đến 7 ngày sau khi phát ban. Cũng như sởi, virus rubella có khả năng lây lan cao nên có thể gây dịch lớn cho những cộng đồng không có miễn dịch với virus rubella.
Biểu hiện nhiễm rubella
Những người đã có miễn dịch với virus rubella (do đã mắc bệnh hoặc đã tiêm vaccine rubella trước đó) hầu hết không bị mắc bệnh nữa.
Tất cả những người chưa có miễn dịch với rubella đều có nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ em, thiếu niên và thanh niên.
Bệnh thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ, như sốt nhẹ, phát ban và viêm long nhẹ đường hô hấp, nổi hạch vùng chẩm, sau tai và cổ. Ở người lớn có thể có sưng đau khớp. Tuy nhiên có tới 50% số trường hợp có biểu hiện lâm sàng không điển hình làm cho bệnh nhân dễ lầm tưởng với bệnh khác.
Bệnh rubella rất nguy hiểm với phụ nữ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn hình thành các bộ phận của thai nhi. Virus có thể qua hàng rào nhau thai xâm nhập vào bào thai và tác động tới quá trình phát triển của bào thai.
Có khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh không có dấu hiệu lâm sàng điển hình nên nhiều phụ nữ có thai mắc rubella không được phát hiện, gây ra nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe đối với người mẹ và thai nhi.
Nhiễm rubella trong thời kỳ đầu mang thai có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển…
Ngoài ra trẻ có thể mắc đái tháo đường, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh, viêm não màng não, viêm phổi, nhẹ cân, sinh non... Một số trường hợp trẻ tử vong do hậu quả của hội chứng rubella bẩm sinh. Hội chứng rubella bẩm sinh có thể gặp ở 70-90% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm virus rubella trong 3 tháng đầu mang thai.
Tiêm vaccine rubella là biện pháp hiệu quả nhất để phòng hội chứng rubella bẩm sinh. Phụ nữ cần được tiêm vaccine rubella trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất 1 tháng.
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai cần hạn chế tiếp xúc với các bệnh nhân có sốt, phát ban và trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh. Phụ nữ có thai, đặc biệt có thai trong những tháng đầu nếu bị sốt, phát ban nên đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán, tư vấn kịp thời.