Bé biếng ăn có nên cho uống sữa cao năng lượng?

Biếng ăn là căn bệnh tâm sinh lý làm đau đầu những bậc cha mẹ. Trong lúc nóng ruột vì bệnh biếng ăn của con cộng với nỗi lo sợ suy dinh dưỡng, cha mẹ như vớ được cái “phao” từ các “trung tâm dinh dưỡng” trực thuộc các nhà bào chế sữa với lời tư vấn “sữa cao năng lượng trị biếng ăn cho bé”.

Những thiệt hại đối với trẻ

 

Cho đến nay trên thị trường, chưa có nhà sản xuất nào khuyến cáo các bà mẹ về việc không nên lạm dụng, hay chính xác hơn là không nên dùng sữa cao năng lượng cho trẻ em khi chưa thật cần thiết. Các quảng cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng, trên bao bì hộp sữa của hiệu P, S đều nhấn mạnh đến việc dùng 3 ly sữa/ngày cung cấp cho bé đầy đủ năng lượng và dinh dưỡng. Dịp tết, ca sĩ L.  còn quảng cáo cho cách phòng chống suy dinh dưỡng cho bé vào ngày bận rộn bằng cách dùng sữa cao năng lượng vào bữa ăn mỗi ngày.

 

Quảng cáo của nhãn sữa trị trẻ biếng ăn P còn đưa hình ảnh nếu bé không thích ăn, hãy đưa sữa cao năng lượng cho bé uống, dẫn đến sai lầm trong cách nuôi con của bà mẹ. Thực tế tiêu dùng cho thấy, những bà mẹ dùng sữa cao năng lượng cho con đều gặp phải tình trạng: trẻ biếng ăn, uống sữa “xịn” nhưng bé gầy còm, bé rất lười ăn và rất khó để tập cho bé ăn uống đúng cữ.

 

Sai lầm tập trung ở điểm dùng sữa cao năng lượng thay thế bữa ăn. Khẩu phần của bé trên 6 tháng bắt buộc phải có các cữ ăn dặm, nấu từ cháo hoặc bột để cân đối chất xơ, bột, đạm và quan trọng nhất là tập cho cơ hàm quen nhai, hệ tiêu hoá hoạt động... Trên 1 tuổi, mỗi ngày bé phải có 2 - 3 chén cháo hoặc cơm nát. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng thì sữa cao năng lượng chỉ nên dùng vào bữa ăn phụ.

 

Bác sĩ N.T, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM đã từng khám bệnh cho nhiều trẻ bị nổi nhọt, mụn thường xuyên. Ông nói, đa phần các bà mẹ này đều dùng sữa loại xịn nhất cho con, bé bị tình trạng dư đường, dư béo.

 

Người tiêu dùng khôn ngoan cần nhận ra rằng những “trung tâm tư vấn dinh dưỡng” của các hãng  không phải là trung tâm y tế chức năng mà chỉ nhằm phục vụ cho nhà bào chế sữa bán thật nhiều sữa. Bà N. T. M, ngụ tại Q. Tân Bình từng gọi đến tư vấn vì con bị táo bón, chuyên viên dinh dưỡng trả lời do năng lượng trong sữa cao, chỉ cần pha loãng ra là ổn. Không nên đổi sữa vì có thể gây "rối loạn tiêu hoá".

 

Sữa cao năng lượng - Không phải thần dược

 

Thực ra, sữa cao năng lượng chỉ nhằm mục tiêu cung cấp năng lượng, không thể thay thế các bữa ăn với đầy đủ dưỡng chất. Dùng lâu dài cho bé - nhất là bé trong môi trường đô thị thiếu vận động - vừa gây suy dinh dưỡng vừa gây béo phì, làm cho biếng ăn càng đổ nặng thêm.

 

Khi sử dụng loại sữa có loại năng lượng (từ chất béo) có độ thẩm thấu cao này, nhung mao ruột sẽ trở nên “lười phát triển” bình thường, về sau khả năng hấp thu các loại thức ăn, nhất là chất béo khác sẽ khó khăn hơn, gây biến chứng mãn tính về tiêu hoá cho trẻ. Có tài liệu còn cho rằng về sau trẻ sẽ dị ứng với các loại chất béo khác.

 

Bệnh biếng ăn ngày càng nhiều trong xã hội đang có một mức độ đô thị hoá nhất định. Để giải quyết căn bệnh này, cha mẹ cần trang bị các kỹ năng, hiểu rõ tâm sinh lý của trẻ qua các trung tâm dinh dưỡng thứ thiệt, chứ không phải loại trung tâm trực thuộc các nhà bào chế sữa luôn có động cơ bán hàng cao hơn động cơ trị liệu.

 

Không nên lạm dụng năng lượng từ chất béo

 

Trở lại với tác hại của sữa cao năng lượng trị biếng ăn. Cơ chế giải quyết cái gọi là “cao năng lượng” chủ yếu là chất béo dạng hấp thu nhanh chuỗi trung bình, còn có tên gọi tắt tiếng Anh là MCT, chất béo đang trở thành thời thượng trong các chiến dịch truyền thông thương mại gần đây.

 

Từ buổi đầu của khoa học dinh dưỡng, các tác giả kinh điển như Voi, Saternikov đã cho rằng tương quan hợp lý giữa P:L:G trong khẩu phần nên là 1:1:5 (nghĩa là 1g protein (đạm) nên có 1g lipit (béo) và 5g gluxit (đường)). Những nghiên cứu sau này cho thấy công thức trên chỉ thích hợp cho những người lao động thể lực hoặc có nếp sống hoạt động. Với công thức 1:1:4 năng lượng do protein vào khoảng 14%, do lipit 30%, do gluxit 56%. Hiện nay người ta thường thể hiện tính cân đối giữa protein, lipit, gluxit và cả các thành phần dinh dưỡng khác trong khẩu phần không theo đơn vị trọng lượng (g) mà theo đơn vị năng lượng.

 

Sữa cao năng lượng cho trẻ em đang bán trên thị trường phổ biến cung cấp khoảng 1.000calo/lít sữa, ít loại cung cấp đến 2.000 calo/lít sữa. Để có sự khác biệt về calo so với những loại sữa thường, sữa cao năng lượng đã phải thay đổi một số loại thành phần. Tỷ lệ chất béo trong các loại sữa cao năng lượng nhiều hơn sữa thường nên nếu uống kéo dài có thể dẫn tới bệnh béo phì, dư mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ. Sau này khi lớn, trẻ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp... cao hơn những trẻ khác: lão hoá gan, thận sớm, bị táo bón, biếng ăn, suy dinh dưỡng, ...

 

Nhiều nhà sản xuất sữa uy tín trên thế giới không ủng hộ việc sử dụng MCT cho trẻ em cũng vì những lý do đã nêu ở trên.

 

Theo Công Khanh - Bích Thuỷ

Sài Gòn tiếp thị