Bao giờ vắc xin rubella được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng?

(Dân trí) - Đợt dịch rubella quy mô tại Việt Nam năm 2011 đã khiến nhiều thai phụ lo âu khi chờ kết quả xét nghiệm và căng thẳng khi phải quyết định có bỏ thai không. Trong khi đó, số đông không thể tiếp cận với vắc-xin rubella do chi phí 1 mũi tiêm không hề nhỏ.

Chữa rubella cho trẻ không khó nhưng nguy cơ là có thể lây sang thai phụ

Chữa rubella cho trẻ không khó nhưng nguy cơ là có thể lây sang thai phụ
Liên tục các vụ dịch rubella

 

Là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, khi vào trong cơ thể, vi rút Rubella sẽ gây ra các triệu chứng: sốt, phát ban, sưng hạch bạch huyết… Bệnh rubella ở trẻ thường nhẹ, ít biến chứng nhưng nếu người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra sảy thai, thai lưu, hội chứng rubella bẩm sinh (gồm dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ; vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh, đa dị tật…) và nhiễm rubella bẩm sinh ở trẻ sinh ra.

 

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên toàn cầu vẫn có khoảng 112.000 ca mắc hội chứng rubella bẩm sinh, tạo gánh nặng lớn về xã hội, kinh tế. Tổn thất về kinh tế suốt đời cho mỗi ca mắc hội chứng này lên tới 55.000-64.000 đô la Mỹ.

 

Tại Việt Nam, từ năm 2004 (thời điểm bắt đầu giám sát rubella) tới nay, nước ta liên tục ghi nhận các vụ dịch rubella. Cụ thể, năm 2005 đã xảy ra dịch có quy mô lớn với trên 11.000 ca mắc. Còn năm 2011, ghi nhận 7.259 ca mắc. Trên thực tế, số mắc này còn cao hơn nhiều lần do nhiều trường hợp có biểu hiện nhẹ không đến cơ sở y tế. Hai khu vực miền Bắc và miền Nam chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bệnh, trong đó nhóm phụ nữ tuổi sinh đẻ 15-49 tuổi chiếm 59% tổng số ca mắc là nữ, đây là nhóm đối tượng sẽ mang thai và có nguy cơ bị nhiễm rubella trong quá trình thai nghén.

 

Đặc biệt, theo WHO, nước ta có số ca mắc hội chứng rubella bẩm sinh cao nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương, chiếm tới 1/3 tổng số ca của khu vực (1.200 – 6.100 ca). Còn theo hệ thống giám sát hội chứng rubella bẩm sinh thuộc Dự án Tiêm chủng mở rộng, trong số 300 trẻ mắc hội chứng rubella được ghi nhận năm 2011 tại Bệnh viện Nhi TƯ và Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 TPHCM, có tới 90% mắc tim bẩm sinh với các dị tật phức tạp; 45% đục thủy tin thể; gần 38% lách to; 15% vàng da nhân…. 85% trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh có 2 dị tật hoặc có từ 3 dị tật trở lên.

 

Trong khi đó, tại bệnh viện Phụ sản TƯ, trong năm 2011 ghi nhận gần 5.000 phụ nữ có thai nghi ngờ mắc rubella đã nạo phá thai do lo ngại gây dị tật cho thai nhi. Tại bệnh viện Y học lâm sàng các bệnh viện nhiệt đới cũng ghi nhận hàng chục phụ nữ có thai nhiễm Rubella mỗi tuần, trong đó nhiều phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu.

 

Việc đưa vắc xin Sởi - Rubella vào Dự án Tiêm chủng mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong chương trình mục tiêu Quốc gia Y tế giai đoạn 2012-2015 tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày  04/09/2012.

 

Để phòng chống bệnh rubella và góp phần tiến tới mục tiêu loại trừ sởi trong năm 2014 -2015, được sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Dự án Tiêm chủng mở rộng sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin Sởi –Rubella cho trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi trên quy mô toàn quốc.

 
Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (Polyvac)

Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (Polyvac)
Đã sản xuất thành công 100.000 liều vắc xin sởi và rubella mẫu chuẩn

 

Trước những dấu hiệu cho thấy dịch rubella sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa với các thai phụ trên toàn quốc, ngày 17/4 vừa qua đã diễn ra lễ ký kết chuyển giao công nghệ giữa Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (Polyvac), Bộ Y tế và cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nhằm tự sản xuất vắcxin phối hợp sởi-rubella tại Việt Nam. Theo đó, dự án “Tăng cường năng lực sản xuất vắc xin phối hợp sởi-rubella” được bắt đầu triển khai từ tháng 5/2013 với tổng ngân sách dự kiến khoảng 707 triệu yên Nhật (tương đương 7,5 triệu USD). Dự án này khi hoàn thành vào đầu năm 2018 không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước (chương trình Tiêm chủng mở rộng) mà còn để xuất khẩu.

 

Việc hợp tác này dựa trên thành công của dự án sản xuất vắc xin sởi mà đã được dùng cho chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2009. Với thuận lợi về cơ sở hạ tầng (nhà máy sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn GMP (Thực hành sản xuất tốt) của WHO) kết hợp với công nghệ sản xuất tiên tiến của Nhật Bản, nguồn nhân lực đã được đào tạo, dự án sản xuất vắc xin phối hợp sởi – rubella hứa hẹn sẽ chỉ mất hơn 4 năm thay vì 7 năm như dự án vắc xin sởi.

 

Là nước đầu tiên Nhật Bản tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất loại vắcxin phối hợp đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng tại chính quốc gia này cùng với đó là sự quan tâm ủng hộ của Bộ Y tế, đến nay sau hơn nửa năm, dự án đang triển khai đúng tiến độ. Hiện Polyvac đã cùng đối tác Nhật Bản xây dựng kế hoạch chi tiết và từ tháng 5 đến nay đã cử 5 đoàn (13 cán bộ) sang Nhật để đào tạo, chuyển giao công nghệ; đã thành lập văn phòng dự án để các chuyên gia Nhật sang Việt Nam hướng dẫn; một số hoạt động thử nghiệm đã được tiến hành. Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc TT Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm Y tế, hiện Trung tâm đã sản xuất thành công 1 lô vắc xin mẫu chuẩn với 100.000 liều. “Lô vắc xin này sẽ là mẫu chuẩn để làm căn cứ kiểm nghiệm các lô vắc xin sau này”, PGS.TS Nguyễn Đăng Hiền nhấn mạnh vai trò của lô vắc xin chuẩn này. Sang năm 2014-2015 sẽ là giai đoạn chuyển giao công nghệ. 2015 sản xuất vắc xin thành phẩm, thực hiện thử nghiệm lâm sàng và sẽ chính thức đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng vào đầu năm 2018.

 

Với những thuận lợi lớn như sẽ đưa vắc xin sởi - rubella vào chương trình tiêm chủng mở rộng, nằm trong chiến lược của chính phủ và được Bộ Y tế phê duyệt kinh phí dự án nhanh chóng, PGS.TS Nguyễn Đăng Hiền tin tưởng rằng, Trung tâm Polyvac sẽ góp phần vào thành công của chương trình tiêm chủng mở rộng trong việc kiểm soát dịch rubella trên toàn quốc.

 

Nhân Hà