1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Báo động tình trạng thiếu i-ốt ở thai phụ

(Dân trí) - "Thai phụ tại Việt Nam thiếu i-ốt trầm trọng" là nhận định của bà Marjatta Tolvanen Ojutkangas, đại diện Unicef, đưa ra trong Hội nghị Đánh giá thực trạng Phòng chống bướu cổ do Bộ Y tế cùng Unicef đồng tổ chức ngày 8/1 tại TP HCM.

Theo đó, những tác hại do thiếu i-ốt như việc phát triển thể chất, trí tuệ của con người là có thể phòng tránh được nhưng cần phải được bổ sung i-ốt thường xuyên và lâu dài

TS Lương Ngọc Khuê, Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh khẳng định: Chỉ sau 3 năm kết thúc dự án mục tiêu quốc gia phòng chống biếu cổ (PCBC), tình hình thiếu hụt i-ốt có xu hướng quay trở lại. Nếu năm 2005, tỉ lệ phủ muối iod toàn quốc là hơn 93% thì đến năm 2008 còn là 88,6%.

Đặc biệt, các khu vực giảm nhiều là: miền Đông Nam Bộ (giảm từ 88,8% xuống còn 83,7%); miền Tây Nam Bộ (từ 88,9% xuống 74,8%). Riêng TP HCM, tỷ lệ sử dụng muối i-ốt đã thấp từ năm 2005 (66,7%) nên đến năm 2008 tỷ lệ dùng muối i-ốt còn xuống thấp hơn nữa, chỉ còn 54,2%. Quan trọng hơn, theo kết quả điều tra của bộ phận hoạt động PCBC (Bộ Y tế) cho thấy: có tới 44,6% thai phụ ở 3 khu vực này bị thiếu iod từ trung bình đến nặng.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với tình hình thiếu hụt i-ốt. Y học đã chứng minh được sự thiếu hụt i-ốt từ trung bình đến nặng ở người mẹ khi mang thai có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi, dễ sinh ra những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ, thậm chí đần độn hoặc mang khuyết tật.

Được biết, thống kê thế giới hiện có khoảng 2 tỷ người sống trong vùng thiếu i-ốt với khoảng 655 triệu người bị bướu cổ (12%). Số người mắc bướu cổ nhiều nhất hiện ở Châu Á, Châu Phi. Riêng vùng Đông Nam Á, có 486 triệu người sống trong vùng có nguy cơ thiếu i-ốt. Trong đó, có khoảng 175 triệu người bị bướu cổ, chiếm 26,7% số người bị bướu cổ trên thế giới.

Ngọc Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm