Bác sĩ trẻ: "Khám online 30 phút bằng lương 8 tiếng ở bệnh viện công"
(Dân trí) - Khoản thu nhập thêm từ việc trở thành bác sĩ online, giúp các bác sĩ trẻ có thêm nguồn lực để bám trụ tại bệnh viện công lập.
200.000 đồng cho 15 phút khám bệnh từ xa
Kết thúc ca làm việc buổi sáng, bác sĩ Phương (tên nhân vật đã được thay đổi), 32 tuổi, đang công tác tại một bệnh viện tuyến Trung ương, tìm một góc yên tĩnh, kết nối tai nghe và bắt đầu ca khám bệnh online (khám bệnh trực tuyến qua điện thoại) đã được đặt lịch trước đó.
Phía đầu dây bên kia là một bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue ngày thứ hai (theo thông tin được bệnh nhân cung cấp).
"Bác bị sốt từ bao giờ?"; "Ngoài sốt ra có thêm triệu chứng nào nữa không?", qua câu trả lời của bệnh nhân và kết quả xét nghiệm đã được gửi qua ứng dụng, BS Phương nhận định bệnh nhân chưa cần nhập viện, chỉ số tiểu cầu vẫn ở mức bình thường.
"Bác nhớ uống thuốc đúng giờ, đúng liều, uống nhiều nước và bổ sung thêm oresol. Theo dõi chặt các dấu hiệu cảnh báo như: sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, buồn nôn, chảy máu chân răng, chảy máu cam không cầm, ý thức u ám...", BS Phương dặn dò.
Anh nhắc lịch bệnh nhân khám định kỳ từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh, vốn là giai đoạn nguy cơ chuyển nặng cao trước khi nhấn kết thúc.
Hoàn thành ca khám bệnh online kéo dài 15 phút, bác sĩ trẻ cho biết, bệnh nhân sẽ chi trả 200.000 đồng, trong đó 150.000 đồng cho bác sĩ và 50.000 đồng cho đơn vị vận hành ứng dụng này.
Ngày nào cũng vậy, nam bác sĩ thực hiện đều đặn 2-3 ca khám bệnh từ xa vào khoảng thời gian rảnh: buổi trưa, chiều tối. Mỗi ca khám thường chỉ kéo dài 10-15 phút, tối đa là 30 phút.
Như vậy chỉ cần bỏ ra khoảng 30 phút - 1 tiếng mỗi ngày cho việc khám online, BS Phương đã có thêm khoản thu nhập ổn định 8-9 triệu đồng/tháng. Mức này tương đương thu nhập chính từ lương.
Theo BS Phương, để được bệnh nhân lựa chọn, các bác sĩ cũng cần phải tạo được sự tin cậy thông qua trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như thái độ giao tiếp với người bệnh.
Khoản thu nhập thêm từ việc trở thành bác sĩ online, theo BS Phương, giúp một bác sĩ trẻ như anh có thêm nguồn lực để bám trụ tại bệnh viện công lập.
"Sau 7 năm công tác, mức lương tại bệnh viện của tôi là khoảng 9 triệu đồng", BS Phương cho biết.
Bác sĩ trẻ này nhận định lương của mình còn là mức cao so với nhiều đồng nghiệp ở cơ sở y tế công lập, vì chuyên khoa anh công tác có hệ số phụ cấp độc hại cao. Tuy nhiên, so với chi phí đắt đỏ ở Hà Nội, mức thu nhập này khó có thể đáp ứng được một cuộc sống đủ đầy, đặc biệt là khi đã lập gia đình.
Với mức lương chỉ khoảng 6-9 triệu đồng, theo BS Phương, với các bác sĩ trẻ công tác ở bệnh viện công lập nhưng gia đình không có điều kiện, đa phần đều phải có nghề tay trái, để theo đuổi đam mê.
"Làm thêm ngoài giờ ở các phòng khám tư nhân là lựa chọn phổ biến của các bác sĩ trẻ như tôi. Tuy nhiên, vì công việc chủ yếu mang tính chất hỗ trợ, học việc nên thu nhập tương đối thấp.
Bên cạnh đó, làm thêm ở phòng khám ngoài giờ đồng nghĩa với việc đánh đổi gần như toàn bộ thời gian rảnh", BS Phương cho hay.
Một lựa chọn khác để kiếm thêm thu nhập của các bác sĩ trẻ trong thời gian gần đây là bán hàng online. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều bác sĩ, phương án này dù đem lại thu nhập tốt hơn nhưng lại không giúp nâng cao tay nghề, vốn là yếu tố rất quan trọng trong nghề y.
Trở thành bác sĩ online bán thời gian từ cách đây 2 năm, BS Phương cho biết, bản thân tiếp tục gắn bó với công việc này, vì giải quyết được nhiều vấn đề mà các nghề tay trái "truyền thống" đang gặp phải.
"Với công việc khám trực tuyến, tôi chỉ mất khoảng 30 phút đến một tiếng mỗi ngày để giải quyết bài toán cải thiện thu nhập. Thời gian "tiết kiệm" được, tôi dùng để trau dồi kiến thức chuyên môn và dành thêm thời gian với gia đình", BS Phương chia sẻ.
Bác sĩ cũng cần học cách "chiều" bệnh nhân
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Linh (tên nhân vật đã được thay đổi), bác sĩ trẻ chuyên khoa nội ở một bệnh viện công lập tại Hà Nội, đã tham gia vào nhóm bác sĩ tư vấn điều trị F0 miễn phí trên mạng xã hội.
Hết dịch, cô được một thành viên trong nhóm này giới thiệu tham gia vào ứng dụng khám bệnh online vừa để rèn nghề, vừa có thêm thu nhập.
Sau khi nộp hồ sơ năng lực và trải qua vòng phỏng vấn, cô chính thức tham gia công việc khám chữa bệnh trực tuyến.
Việc trở thành bác sĩ online, được Linh mô tả, đem lại nhiều thay đổi cả về kỹ năng lẫn quan điểm về nghề nghiệp.
"Không chỉ là chuyên môn khám chữa bệnh, tôi còn cần phải nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân để đáp ứng với đặc thù công việc", BS Linh chia sẻ.
Theo nữ bác sĩ, với hệ thống khám bệnh online, bệnh nhân là một khách hàng còn bác sĩ cũng như người cung cấp dịch vụ. Cũng như những ngành nghề khác, muốn thu hút được nhiều khách hàng, bác sĩ phải cung cấp dịch vụ thật tốt.
BS Linh mô tả, sau mỗi ca khám bệnh, bệnh nhân sẽ có ý kiến phản hồi, chấm điểm bác sĩ. Đánh giá này tác động trực tiếp đến xếp hạng của bác sĩ trên ứng dụng.
"Bác sĩ được nhiều đánh giá tích cực sẽ được hiển thị ở vị trí cao cũng như được hệ thống phân phối nhiều bệnh nhân hơn, có cơ hội gia tăng thù lao mỗi ca khám bệnh. Điều này tác động trực tiếp đến thu nhập của bác sĩ", BS Linh nhấn mạnh.
Theo cô điều này khiến mỗi bác sĩ phải tự có ý thức cải thiện khả năng khiến bệnh nhân "hài lòng".
BS Linh chia sẻ rằng, không ít đồng nghiệp của mình và cả người quen ngoài ngành có ý kiến trái chiều về công việc "bác sĩ online". Có quan điểm cho rằng, việc này sẽ "hạ thấp" giá trị của nghề y.
"Với tôi, từ khi trở thành bác sĩ online, bản thân đã tiến bộ hơn rất nhiều, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp với người bệnh. Từ một người khô cứng vì quanh năm làm bạn với sách vở, tôi biết được nhiều hơn về cách lắng nghe, chia sẻ cho đến động viên bệnh nhân của mình.
Theo tôi khi xã hội càng phát triển, kỹ năng này cũng sẽ càng cần thiết đối với những người làm nghề y", BS Linh nêu quan điểm.
Còn với BS Phương, cuộc cách mạng 4.0 khiến mọi ngành nghề trong xã hội đang có sự thay đổi chóng mặt, ngành y đương nhiên không nằm ngoài vận động này.
"Khám bệnh từ xa đương nhiên không thể thay thế hoàn toàn khám, chữa bệnh trực tiếp. Tuy nhiên, trên nhiều khía cạnh, nó đang đem lại lợi ích trực tiếp cho cả bệnh nhân, lẫn bác sĩ.
Bệnh nhân được phát hiện bệnh kịp thời, tiết kiệm thời gian, được điều trị theo chuẩn y khoa. Trong khi đó bác sĩ có thể tối ưu hóa công việc của mình trong quỹ thời gian vốn rất hạn hẹp.
Ngoài ra, bệnh nhân và bác sĩ dễ dàng kết nối với nhau hơn cũng sẽ giúp hạn chế việc người dân vì ngại đến phòng khám, mà tự điều trị bệnh theo những cách không chính thống", BS Phương bày tỏ.