1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ ngán ngẩm vì mẹo ăn đồ sống thả ga nhờ "bảo bối" chanh, ớt

Minh Nhật Ngọc Minh

(Dân trí) - Một khay khoảng 10 con tôm sống, rưới thêm loại sốt cay có thành phần chính từ nước mắm, ớt, chanh, được nam thanh niên ăn ngon lành và tin rằng đã sạch khuẩn.

Nhập viện vì tin "bảo bối" sát trùng đồ sống

Vô tình xem được đoạn clip ăn tôm sống sốt Thái từ một video trên Tiktok, Nam (tên nhân vật đã được thay đổi), 23 tuổi, sống tại Hà Nội đã bắt chước mua tôm về tự chế biến tại nhà.

Một khay khoảng 10 con tôm, rưới thêm loại sốt cay có thành phần chính từ nước mắm, ớt, chanh, được nam thanh niên ăn ngon lành.

Tuy nhiên, sau đó khoảng 2 giờ đồng hồ, chàng trai bất ngờ có triệu chứng đau bụng và đi ngoài nhiều lần.

Tiếp theo đó, cảm giác chóng mặt và mệt mỏi liên tục xuất hiện. Nam còn nôn mửa không ngừng.

Bác sĩ ngán ngẩm vì mẹo ăn đồ sống thả ga nhờ bảo bối chanh, ớt - 1

Nhiều người cho rằng các loại sốt cay, vắt chanh có thể tiêu diệt hết vi khuẩn trên đồ sống (Ảnh: Cắt từ video).

Nam được người nhà đưa vào thăm khám tại bệnh viện. Sau quá trình theo dõi, chàng trai được chẩn đoán bị nhiễm khuẩn Salmonella (một loại vi khuẩn đường ruột).

"Tôi mua về ăn thử vì nhìn họ ăn ngon lắm. Người làm video còn bảo rằng, nước sốt cay sẽ tiêu diệt vi khuẩn nên tôm sẽ an toàn để ăn sống", Nam chia sẻ.

Không ngoại lệ, ông Đức (tên nhân vật đã được thay đổi), 50 tuổi, cũng từng phải nhập viện trong tình trạng nguy hiểm chỉ vì sở thích ăn đồ sống.

Người nhà cho biết ông Đức có sở thích ăn tiết canh. Một tuần đều đặn 2 bữa tiết canh là điều hoàn toàn bình thường đối người đàn ông này.

Cách đây vài tháng, sau bữa nhậu tiết canh cùng bạn, ông Đức bất ngờ sốt cao, sau đó cơ thể nổi từng mảng tím, đen và bắt đầu bị lở loét ở chân nên phải nhập viện cấp cứu.

Bác sĩ ngán ngẩm vì mẹo ăn đồ sống thả ga nhờ bảo bối chanh, ớt - 2

Ăn tiết canh tiềm ẩn nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn (Ảnh: Getty).

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Nguyên nhân được xác định là do món tiết canh có chứa khuẩn Streptococcus suis (khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn).

Trên giường bệnh, ông Đức bộc bạch: "Mỗi khi ăn tiết canh tôi đều vắt nhiều chanh và dùng kèm rượu. Cứ tưởng như thế đã có thể sát trùng".

Không ít người Việt có sở thích ăn thực phẩm sống, tái vì cho rằng những món ăn này tươi ngon, giữ được hương vị và dưỡng chất nguyên bản của thực phẩm.

Không chỉ vậy, ăn đồ sống còn dần trở thành "trào lưu" trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Tiktok. "60 giây ăn hết 10 con bạch tuộc sống", "Ăn cá hồi sống chấm sốt cay siêu ngon"… là những tiêu đề video rất dễ bắt gặp.

Bác sĩ ngán ngẩm vì mẹo ăn đồ sống thả ga nhờ bảo bối chanh, ớt - 3

Một video ăn bạch tuộc sống trên mạng xã hội Tiktok (Ảnh: Chụp màn hình).

Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến thói quen ăn uống của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng.

Đáng nói, nhiều người thích ăn đồ tái, sống cho rằng, chỉ cần dùng chanh, giấm hoặc các loại gia vị chua, cay hay uống rượu là đã có thể tiêu diệt ký sinh trùng trên các món đặc sản này.

Loạt nguy cơ tiềm ẩn khi ăn đồ sống

"Việc ăn đồ sống, đồ tái có nguy cơ bị nhiễm trùng thực phẩm cao", BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết.

Thực phẩm sống có thể chứa nhiều loại vi khuẩn, vi sinh vật và virus gây hại cho con người. Chưa kể có một số loại hải sản sống và thực phẩm sống có thể bị nhiễm phèn, chì và các chất ô nhiễm khác trong môi trường.

Ngoài ra, nhiều món ăn sống/tái đặc sản như: gỏi cá, bò tái, rau sống... có thể ẩn chứa các loại giun sán gây bệnh cho con người.

"Trên thực tế, người dân thường tin và làm theo những mẹo sơ chế, khử trùng đồ ăn tràn lan. Một trong số đó là vắt chanh lên đồ tái. Vắt chanh có khả năng giúp giảm số lượng vi khuẩn trên bề mặt thực phẩm nhưng không đủ để giết chết hoàn toàn vi khuẩn trong món ăn.

Dù chanh có nồng độ axit tự nhiên cao, nhưng không đủ mạnh để giết chết các loại vi khuẩn có thể gây hại cho sức khỏe", BS Thiệu cho hay.

Khi vắt chanh lên món ăn tái hoặc sống, thời gian tiếp xúc chỉ diễn ra trong vài giây. Điều này không đủ để có thể tiêu diệt vi khuẩn, đặc biệt là các loại vi khuẩn đã thâm nhập vào bên trong các mô của thực phẩm.

Để phòng tránh nhiễm khuẩn thực phẩm, BS Thiệu khuyến cáo người dân cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm sống, tái.

Thêm vào đó, người tiêu dùng cần đảm bảo vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh khi sơ chế, chế biến cũng như tiêu thụ thực phẩm.