1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bạc Liêu: Vượt quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cả trăm tỷ đồng

(Dân trí) - "Kê đơn nhiều loại thuốc, trong đó có những loại thuốc không cần thiết, có trường hợp kê thêm tên bệnh vào chẩn đoán để chỉ định thực hiện kỹ thuật cận lâm sàng…" là những đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu về nguyên nhân vượt quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của tỉnh này.

Tại hội nghị tổng kết công tác khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức mới đây, theo Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bạc Liêu, năm 2018, tỉnh được giao dự toán quỹ BHYT là 733,018 tỷ đồng, nhưng chi đến 919,460 tỷ đồng, vượt quỹ đến 146,442 tỷ đồng. 

Bạc Liêu: Vượt quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cả trăm tỷ đồng - 1

Bạc Liêu vừa tổ chức tổng kết công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2018.

Ông Lê Danh Đấu - Giám đốc BHXH tỉnh Bạc Liêu cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vượt quỹ BHYT, trong đó một số cơ sở KCB chưa xây dựng kế hoạch kiểm soát chi KCB BHYT, còn thờ ơ trong việc phối hợp với cơ quan BHXH quản lý quỹ, dẫn đến việc cung ứng, chỉ định thuốc không tiết kiệm, sử dụng dịch vụ kỹ thuật rộng rãi làm gia tăng chi phí KCB BHYT.

Tromg khi đó, ông Trần Hoài Đảo- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu đánh giá, trong hàng loạt chuyên môn có liên quan đến thanh, quyết toán quỹ BHYT, thì chi phí bình quân cho một lần điều trị (7 danh mục: giường, thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật thủ thuật, vật tư y tế, khám), tỷ lệ chi thuốc chiếm hơn 40,6% tổng chi phí KCB. “Thuốc nhiều quá thì chúng ta sẽ mất đi tiền bảo hiểm rất nhiều”, ông Đảo nói.

Bạc Liêu: Vượt quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cả trăm tỷ đồng - 2

Người dân đến khám, chữa bệnh tại một cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Trong nguyên nhân chủ quan vượt KCB BHYT, ông Trần Hoài Đảo chỉ rõ những bất thường trong hoạt động chuyên môn tại các cơ sở KCB, như: Khám bệnh, kê đơn điều trị không phù hợp với chẩn đoán; kê đơn nhiều loại thuốc, tập trung kê đơn thuốc đắt tiền, trong đó có những loại thuốc không cần thiết,…

“Có thể lãnh đạo cơ sở không có chủ trương này nhưng từng anh bác sĩ kê đơn có những biểu hiện, suy nghĩ khác nhau. Có những anh kê đơn vô tội vạ. Tại một hội nghị, phía Bảo hiểm xã hội báo cáo có nhiều đơn kê từ 10-12 loại thuốc. Cái này lâu lâu có một bệnh thì không nói, còn kê thường xuyên như vậy thì không thể chấp nhận được. Lãnh đạo cơ sở y tế phải quan tâm để sớm phát hiện ai kê bất thường thì chấn chỉnh”, ông Đảo lưu ý.

Một nguyên nhân nữa theo ông Trần Hoài Đảo là chỉ định thực hiện cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh) không cần thiết; có trường hợp kê thêm tên bệnh vào chẩn đoán để chỉ định thực hiện kỹ thuật cận lâm sàng.

“Cái này giữa bác sĩ với người bệnh, nếu bác sĩ cho người bệnh làm thêm xét nghiệm thì bác sĩ kê thêm tên bệnh vào trong chẩn đoán, cái này thật sự khó kiểm soát, do tự giác của bác sĩ thôi”, ông Đảo băn khoăn.

Phó Giám đốc Trần Hoài Đảo cũng nhìn nhận trách nhiệm của Sở Y tế khi chưa thực hiện tốt chức năng thanh, kiểm tra định kỳ, cũng như đột xuất đối với việc KCB BHYT tại các đơn vị; chưa theo dõi, phát hiện kịp thời những đơn vị có chi phí KCB BHYT cao bất thường để kiểm tra, xử lý.

Bạc Liêu: Vượt quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cả trăm tỷ đồng - 3

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu- ông Trần Hoài Đảo- đã có những đánh giá thẳng thắn về nguyên nhân vượt quỹ KCB BHYT của tỉnh Bạc Liêu.

Ông Mã Quốc Thiện - Giám đốc BVĐK tỉnh Bạc Liêu, nêu ra hàng loạt yếu tố chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí KCB BHYT, đó là: Việc khám bệnh nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến tiền công khám bệnh ngoại trú, do đó làm sao để người dân ít đi khám bệnh; thời gian nằm viện của bệnh nhân nếu kéo dài sẽ làm tăng chi phí, bởi nằm càng lâu thì càng tốn; điều trị nội trú tăng; chuyển tuyến trên nhiều;…

“Tất cả các yếu tố trên khi gia tăng thì chi phí bình quân sử dụng điều trị cho bệnh nhân sẽ tăng theo. Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta có thể kiểm soát các yếu tố trên mà không ảnh hưởng đến chất lượng khám, điều trị bệnh và quyền lợi của người tham gia BHYT là thách thức đối với các cơ sở KCB”, ông Thiện trăn trở.

Còn lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai cho biết, việc vượt quỹ KCB BHYT chủ yếu do đa tuyến đi ngoại tỉnh, đa tuyến đi nội tỉnh khá cao (chiếm trên 80% quỹ được sử dụng). Vấn đề này do một số bệnh mãn tính, hiểm nghèo, cơ sở không có điều kiện phục vụ cũng như do quy định thông tuyến nên người bệnh được quyền KCB các BV tuyến III nằm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Giải pháp nào kiểm soát quỹ KCB BHYT ?

Trong việc kiểm soát quỹ KCB BHYT, theo Giám đốc BHXH tỉnh Bạc Liêu - ông Lê Danh Đấu, trên cơ sở so sánh cơ cấu chi phí của các cơ sở KCB, nếu phát hiện bất thường sẽ tập trung kiểm tra, giám định những vấn đề như tỷ lệ vào điều trị nội trú, xét nghiệm, X quang, phẫu thuật, thủ thuật,... tăng cao.

BHXH tỉnh sẽ thường xuyên phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở KCB, nhất là cơ sở KCB điều trị nội trú cao, phòng chống tình trạng lạm dụng, trục lợi lãng phí quỹ KCB BHYT;…

Ông Trần Hoài Đảo - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết, trên cơ sở xác định nhóm chi phí bất thường, Sở yêu cầu các cơ sở KCB chọn lọc bệnh và chỉ đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú khi thật cần thiết, đảm bảo đúng phác đồ điều trị.

“Khi khám bệnh, kê đơn điều trị phù hợp với chẩn đoán, đảm bảo sử dụng thuốc an toàn hợp lý; tránh tối đa sử dụng những loại thuốc không cần thiết, nhất là vitamin, khoáng chất; khi kê đơn thuốc đắt tiền phải xem xét thật sự có cần thiết hay không; không được lạm dụng kỹ thuật cận lâm sàng, chẩn đoán thêm tên bệnh để được chỉ định thực hiện kỹ thuật;…”, ông Đảo yêu cầu rõ.

Bạc Liêu: Vượt quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cả trăm tỷ đồng - 4

Ông Mã Quốc Thiện- Giám đốc BVĐK tỉnh Bạc Liêu cho rằng, cần có sự công bằng giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, để xử lý những bất cập hiện nay, trong đó có quỹ BHYT.

Giám đốc BVĐK tỉnh Bạc Liêu - ông Mã Quốc Thiện cho rằng, cần phải chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, triển khai kỹ thuật mới, xây dựng, cập nhật các hướng dẫn, phác đồ điều trị, nâng cao y đức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử,.. từ đó sẽ góp phần giảm tất cả các chi phí phát sinh kèm theo.

“Khâu quan trọng nhất là lãnh đạo các cơ sở KCB phải thường xuyên chỉ đạo chặt chẽ các khoa, phòng trong việc thực hiện các chính sách KCB BHYT để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những mặt còn hạn chế, thiếu sót thì mới hy vọng kiểm soát được tình hình”, ông Thiện nói.

Cần có sự công bằng giữa BV công và BV tư

Theo ông Mã Quốc Thiện - Giám đốc BVĐK tỉnh Bạc Liêu, từ nhiều năm qua, các BV công lập đều đã tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các ngành liên quan. Hiện nay, BV ngoài công lập thì chưa, làm cho việc sử dụng thuốc và vật tư của BV ngoài công lập và BV công rất khác nhau, từ đó phát sinh nhiều bất cập.

“Do thuốc và vật tư y tế là hàng hóa nên có rất nhiều giá cả, chất lượng khác nhau, việc không kiểm tra giám sát thuốc và vật tư y tế ở BV tư là không công bằng đối với các BV công. Và điều quan trọng hơn là chi phí khám, điều trị sẽ tăng đáng kể, nên tình trạng vượt trần, vượt quỹ là điều hiển nhiên và bất kỳ ai cũng có thể thấy trước”, ông Thiện nói thẳng.

Giám đốc BVĐK tỉnh Bạc Liêu cũng nêu quan điểm, việc BV tư được thu thêm khi bệnh nhân đến KCB, kể cả đối tượng BHYT, nếu điều này là hợp lý thì cũng nên cho BV công tư vấn thu thêm bệnh nhân các loại dịch vụ mà giá thu hiện nay không đủ bù đắp cho chi phí.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm