Ăn thủy hải sản sống - Đánh cược với sức khỏe
Hiện nay, các món thủy hải sản tươi sống ăn với mù tạt (wasabi) gần như có vị trí hàng đầu trong thực đơn nhà hàng. Tuy nhiên, ít người biết rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong các món ăn này.
Ngon bổ…
Dân "sành điệu" kháo nhau, các món ăn được chế biến từ hàu rất bổ dưỡng và có công năng như một thần dược giúp hồi phục sức khỏe, giải nhiệt cơ thể, bổ sung năng lượng...
Hàu có thể chế biến thành nhiều món ăn như cháo, hấp, nướng... nhưng ngon hơn cả là ăn sống với mù tạt. Tại các quán nhậu khá bề thế khác hầu như quán nào cũng có phục vụ hàu và nhiều món hải sản tươi sống khác.
Cách chế biến khá đơn giản, người ta cạy vỏ hàu ra rồi dùng dao cắt thành 2 hoặc 3 phần ăn chung với một lọ mù tạt. Món ăn này được dùng chung với hành sống...
Ngoài hàu, các món tôm sú, cá sống nhấm nháp với mù tạt cũng hiện diện ở hầu hết các thực quán.
… dễ nhiễm bệnh
Theo Tiến sĩ Lê Hữu Khương (Bộ môn Bệnh lý-Ký sinh trùng, khoa Chăn nuôi, Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh), các loại cá là ký chủ trung gian của nhiều giun sán và là ký chủ tích trữ nhiều mầm bệnh dễ lây cho người.
Mầm bệnh thường ở trong cơ của cá dưới dạng kén, bên trong chứa ấu trùng của các loại giun sán, kích thước kén rất nhỏ nên rất khó phát hiện bằng mắt thường.
Ở khu vực châu Á, có ít nhất 30 loài giun sán đã tìm thấy ở người do ăn cá sống (2 loài sán dây, 4 loài giun tròn và 24 loài sán lá). Riêng ở Việt Nam thì đã phát hiện ít nhất 10 loài giun sán có thể truyền từ cá sống sang người.
Gần đây, có hai loại bệnh xuất hiện nhiều nhất ở nước ta do ăn cá chưa nấu chín là bệnh sán lá gan và giun xoăn. Bệnh sán lá gan nhỏ với ký chủ trung gian truyền bệnh là gần 10 loài cá nước ngọt phổ biến dùng làm thực phẩm. Nếu chúng ta ăn phải những kén chứa ấu trùng sán lá gan nhỏ thì sau khoảng 1 tháng, sán con sẽ đến gan và phát triển, làm hư hại gan (xơ gan hay ung thư gan), tràn qua ống dẫn mật... Còn giun xoăn sẽ "lang thang" khắp các cơ quan nội tạng, có khi chui ra ngoài da, chui vào tủy sống gây bại liệt, chui vào mắt gây mù, lọt lên não có thể gây chết người...
Bác sĩ Nguyễn Thu Ngọc Diệp, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Vệ sinh An toàn thực phẩm (Viện Vệ sinh-Y tế công cộng TPHCM - Bộ Y tế) thì bổ sung: "Các loài nhuyễn thể như hàu, nghêu, sò, ốc, hến... vốn chất chứa nhiều độc tố (để tự phòng vệ) các kim loại nặng nên rất dễ gây ngộ độc hoặc tích tụ trong cơ thể người, nặng thì có thể gây xuất huyết ở niêm mạc dạ dày hoặc ruột...
Ngoài ra, các nhuyễn thể và cá, tôm cũng thường có các loại vi khuẩn như trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ, xoắn khuẩn, trực khuẩn E.Coli, khuẩn tả...
Tôm sống còn mang ấu trùng sán lá phổi, khi trưởng thành sẽ đi từ ruột, xuyên qua cơ hoành lên phổi, gây viêm phế quản, đau ngực, ho ra máu...
Theo Sài Gòn giải phóng