Ăn sáng và ăn tối như thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh?

Minh Nhật

(Dân trí) - Những nghiên cứu mới nhất đã cho thấy, chỉ cần thay đổi thời gian ăn sáng và ăn tối, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như tiểu đường và ung thư.

Thời điểm ăn uống không chỉ ảnh hưởng đến cảm giác no hay đói mà còn tác động sâu sắc đến sức khỏe tổng thể, từ việc kiểm soát cân nặng, cải thiện đường huyết đến giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như ung thư và tiểu đường.

Các nghiên cứu mới đây đã khẳng định, ăn sáng trước 8h và ăn tối trước 21h có thể mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe, trong khi thói quen ăn uống không đúng giờ lại là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm.

"Ăn sáng như vua" để sống khỏe mạnh

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism chỉ ra rằng, bữa sáng không chỉ cung cấp năng lượng khởi đầu ngày mới mà còn có tác dụng tích cực đến quá trình giảm cân và kiểm soát hormone.

Ăn sáng và ăn tối như thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh? - 1

Ăn sáng trước 8h giúp giảm nguy cơ tiểu đường (Ảnh: Toàn Vũ).

Khi ăn sáng đầy đủ, cơ thể có khả năng kiểm soát cảm giác thèm ăn tốt hơn, từ đó giảm lượng thức ăn nạp vào trong các bữa còn lại, hỗ trợ mục tiêu giảm cân hiệu quả và lâu dài.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, thời điểm ăn sáng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Nghiên cứu trên hơn 100.000 người, được công bố trên International Journal of Epidemiology, cho thấy những người ăn sáng trước 8h có nguy cơ mắc tiểu đường túyp 2 thấp hơn 59% so với nhóm ăn sáng sau 9h.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tiểu đường ngày càng trở thành vấn đề toàn cầu với 463 triệu ca mắc trên thế giới (số liệu năm 2019) và dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2045.

Thời điểm ăn uống: Yếu tố quyết định sức khỏe

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng thời gian ăn uống tác động đến nhịp sinh học của cơ thể, ảnh hưởng đến sự cân bằng của đường huyết và mỡ máu.

Theo các nhà khoa học, khả năng dung nạp glucose và độ nhạy insulin đạt đỉnh vào buổi sáng khi tế bào β của tuyến tụy hoạt động hiệu quả nhất. Ăn sáng sớm giúp cơ thể tận dụng tối đa quá trình này, hỗ trợ kiểm soát đường huyết tốt hơn và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như béo phì, ung thư hay tiểu đường.

Ăn sáng và ăn tối như thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh? - 2

Không nên ăn tối sau 21h (Ảnh: Getty).

Ngược lại, khi ăn quá muộn, đặc biệt là bữa tối sau 21h, nhịp sinh học bị rối loạn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Những người ăn tối muộn có nguy cơ mắc tiểu đường tăng thêm 28% so với những người ăn tối trước 20h. Điều này cho thấy rằng không chỉ loại thực phẩm, mà cả thời gian ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe.

Thói quen ăn uống giúp giảm nguy cơ ung thư

Không chỉ có lợi cho đường huyết, việc ăn uống đúng giờ còn được chứng minh là giúp giảm nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu đăng trên International Journal of Cancer với sự tham gia của hơn 2.000 người cho thấy, ăn tối trước 21h có thể giảm đến 25% nguy cơ ung thư vú và tiền liệt tuyến.

Ngoài ra, giữ khoảng cách ít nhất 2 giờ giữa bữa tối và thời điểm đi ngủ cũng mang lại lợi ích lớn. Cụ thể, nguy cơ mắc ung thư vú giảm 20% và ung thư tiền liệt tuyến giảm 26%. Những phát hiện này khẳng định vai trò của thời gian ăn uống trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nguy hiểm.

Cách xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh

Để tối ưu hóa lợi ích sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên điều chỉnh thói quen ăn uống hợp lý. Một số gợi ý đơn giản nhưng hiệu quả bao gồm:

Ăn sáng trước 8h: Đây là thời điểm lý tưởng để cơ thể hấp thụ năng lượng và kiểm soát đường huyết tốt nhất.

Ăn tối trước 21h: Việc ăn tối muộn không chỉ ảnh hưởng đến nhịp sinh học mà còn làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường và ung thư.

Duy trì khoảng cách giữa bữa tối và giấc ngủ: Tốt nhất nên để cách nhau ít nhất 2 giờ để cơ thể tiêu hóa hoàn toàn trước khi nghỉ ngơi.

Chia nhỏ bữa ăn: Ăn 5-6 bữa nhỏ mỗi ngày không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn giảm cảm giác đói, hạn chế ăn quá nhiều trong một bữa.