Ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch
(Dân trí) - Các nhà khoa học vừa phát hiện thêm bằng chứng liên quan giữa thói quen ăn nhiều thịt đỏ và lượng vi khuẩn đường ruột. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim.
Những nghiên cứu đã cho thấy những người liên tục tiêu thụ những thực phẩm được chế biến từ từ thịt đỏ trong 1 tháng có hàm lượng trimethylamine N-oxide (TMAO), một sản phẩm phụ không tốt cho cơ thể con người, cao gấp hai đến ba lần so với những người chỉ tiêu thụ những thực phẩm từ thịt trắng hoặc không phải từ thịt.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã từng chỉ ra rằng hàm lượng TMAO cao dẫn đến sự phát triển của các mảng xơ vữa trong động mạch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.
Việc tiêu thụ thịt đỏ thường xuyên không chỉ làm gia tăng lượng vi khuẩn đường ruột mà còn ảnh hưởng xấu tới việc loại bỏ các chất có hại cho cơ thể thông qua thận.
Tạp chí Tim mạch Châu Âu mới đây cũng đã công bố một báo cáo về nghiên cứu liên quan đến vấn đề này.
"Đây là nghiên cứu đầu tiên của chúng tôi cho thấy thận có thể thay đổi một cách hiệu quả các chất khác nhau tùy thuộc vào chế độ ăn uống mà chúng ta muốn - trừ muối và nước", tiến sĩ Stanley L. Hazen, nhà nghiên cứu cao cấp, chủ tịch Khoa Y học Tế bào và Phân tử tại Viện Nghiên cứu Lerner cho biết.
Tiến sĩ Hazen và nhóm của ông phát hiện ra rằng, TMAO làm thay đổi lượng tiểu cầu trong máu dẫn đến tăng nguy cơ huyết khối hoặc xuất hiện những cục máu đông.
Công trình đã tiết lộ rằng TMAO điều chỉnh canxi trong tiểu cầu. Ngoài ra, nó còn cho thấy tiểu cầu phản ứng khác nhau với sự kích thích đông máu khi nồng độ TMAO trong máu cao.
Ăn nhiều thịt đỏ liên quan đến những căn bệnh rất nguy hiểm cho con người.
Nhóm nghiên cứu nhận định, hợp chất này có thể là lời cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ đau tim, đột quỵ và thậm chí là tử vong - ngay cả khi mức cholesterol và huyết áp khỏe mạnh.
Một công trình nghiên cứu từ Đại học Leicester ở Vương quốc Anh cũng đã chứng minh rằng những người bị suy tim cấp tính sẽ gặp phải tình trạng tồi tệ hơn nếu họ có chỉ số TMAO cao.
Trong một nghiên cứu khác liên quan đến chế độ ăn kiêng với sự tham gia của 113 người. Những người này thực hiện ba chế độ ăn kiêng kiểm soát chặt chẽ theo thứ tự ngẫu nhiên trong 4 tuần.
Các chế độ ăn uống rất đa dạng theo chế độ những người tham gia nghiên cứu mong muốn. Trong đó, có những người ăn theo chế độ ăn nhiều thịt đỏ, 12% lượng calo hàng ngày của những người này được sản sinh qua thịt lợn hoặc thịt bò, trong chế độ ăn thịt trắng, người sử dụng sẽ dùng thịt gia cầm. Chế độ còn lại, người tham gia sẽ ở chế độ ăn kiêng không có thịt, 12% lượng calo được tiêu thụ hàng ngày đến từ các loại đậu, hạt, ngũ cốc và các sản phẩm đậu nành.
Kết quả là "phần lớn" những người ăn theo chế độ ăn thịt đỏ sau 4 tuần nồng độ TMAO trong máu và nước tiểu đã tăng lên đáng kể. Nồng độ TMAO trong máu của chế độ ăn thịt đỏ trung bình cao hơn đến ba lần so với chế độ của những người chỉ ăn thịt trắng và không ăn thịt. Đối với một số trường hợp, con số có thể lên tới 10 lần. Mẫu nước tiểu của họ cũng chỉ ra điều tương tự.
Nghiên cứu cũng còn chỉ ra một kết quả rất bất ngờ. Với chế độ ăn thịt đỏ, thận của những người tham gia nghiên cứu kém hiệu quả hơn trong việc trục xuất TMAO.
Tuy nhiên, trong 4 tuần sau khi ngừng chế độ ăn thịt đỏ, nồng độ TMAO trong máu và nước tiểu của họ lại giảm xuống.
Tiến sĩ Hazen nói rằng những phát hiện này cho thấy mọi người có thể giảm nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến tim mạch bằng cách thay đổi những gì họ ăn.
Sự sản sinh TMAO sẽ thấp hơn và thải trừ thận cao hơn khi các chúng ta tuân theo chế độ ăn kiêng thịt trắng hoặc không thịt. Điều này cho thấy, những loại chế độ ăn kiêng này thực sự có lợi cho tim mạch và cơ thể.
Hưng Nguyễn
Theo Medical News Today.