Ám ảnh những người tự tử tỉnh táo đến lúc chết
(Dân trí) - Một giây dại dột, một ngụm thuốc diệt cỏ cháy paraquat, phần lớn người bệnh không có con đường quay trở lại. Mỗi năm có gần 1.000 trường hợp tử vong, tất cả đều là nỗi ám ảnh với gia đình, bác sĩ bởi họ tỉnh táo, tuyệt vọng cho đến khi hơi thở tắc lại vì chất cực độc này.
Hối hận cũng đã quá muộn
14h20 phút chiều 14/2, tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), khi ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm đang chia sẻ về mối hiểm nguy do tự tử bằng paraquat, một điều dưỡng vào báo “bệnh nhân khó thở rồi”. Điều này có nghĩa, bác sĩ sẽ phải kí giấy ra viện, buông tay, không thể cứu được người bệnh. Rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước ta đã áp dụng đủ mọi phương pháp hiện đại từ lọc máu, giải độc… nhưng không cải thiện đáng kể tỉ lệ tử vong.
Thấy giường bên cạnh con cháu đang chuẩn bị đưa người phụ nữ sinh năm 1946 ở Đông Anh về lo hậu sự, chị Nguyễn Thị P (Quảng Ninh) khóc nức nở, lo lắng cho cậu con trai mới 24 tuổi của mình. N.T.K vào viện hôm 13/2, tỉnh táo, nằm lặng lẽ, để tay lên chán, thỉnh thoảng run lên khi thấy cảnh người phụ nữ đang cố rít lên từng hơi thở nặng nhọc.
Một bệnh nhân khác (35 tuổi, Bắc Giang) vì giận vợ mà uống một ngụm paraquat. Giờ cả bác sĩ, người nhà và chính bản thân người bệnh đều nín thở, chờ đợi một phép màu sẽ đến.
“Cả hai bệnh nhân này, chất độc đã hấp thụ vào người. Dù làm đủ mọi cách, nhưng giờ chúng tôi chỉ biết chờ đợi. Nếu bệnh nhân qua được ít nhất 18 ngày (chắc chắn nhất là 3 tháng), không bị lên cơn khó thở, họ mới có cơ hội qua khỏi. Một khi đã lên cơn khó thở, nghĩa là phổi bị xơ tiến triển, không thể phục hồi, người bệnh chết vì suy hô hấp".
Đặc biệt, khi sắp tử vong, bệnh nhân vẫn rất tỉnh táo, hối hận, khó thở, đau đớn, vật vã. Họ tỉnh đến lúc chết với hơi thở rít lên từng hồi. Đó là những hình ảnh đau thương - thực sự là hình ảnh ám ảnh cả bác sĩ lẫn thân nhân người bệnh”, BS Nguyên chia sẻ.
Các bác sĩ cho biết, khi bệnh nhân khó thở, nếu cho thở bình ôxy thì paraquat còn sản sinh ra chất độc hơn, gây tổn thương, xơ phổi trầm trọng hơn. Nói nôm na người bệnh như cá trên cạn.
Đa phần bệnh nhân khi được hỏi thấy hối tiếc vì đã uống, họ sống những ngày thấp thỏm, lo âu đến khi xuất hiện những cơn khó thở đầu tiên sẽ không có cách gì cứu được.
Nhận diện chất độc paraquat
ThS Nguyên cho biết, chính nhà sản xuất cũng biết độc tính của paraquat với con người, đã pha chế để dễ nhận diện (thuốc bảo vệ thực vật có màu xanh lam (lục) đựng trong lọ nhựa; cho chất kích nôn để uống vào nôn ra; cho mùi khó chịu... Vậy mà con số bệnh nhân ngộ độc, tử vong paraquat ngày càng tăng lên, là một nỗi ám ảnh với gia đình, với bác sĩ.
“Mỗi lần tiếp nhận một bệnh nhân mô tả nôn rất nhiều, có đau, rát họng miệng do uống thuốc bảo vệ thực vật như trên, bác sĩ chúng tôi lại lặng người khi buộc phải giải thích cho gia đình người bệnh những nguy cơ không sáng sủa”, BS Nguyên nói.
Chỉ tính riêng tại Trung tâm chống độc, số ca ngộ độc paraquat tăng lên qua từng năm, từ 300 ca lên 350 ca và 450 qua các năm 2014, 2015, 2016. Gần như ngày nào tại Trung tâm cũng tiếp nhận trường hợp tự tử uống thuốc diệt cỏ cháy paraquat. Ước tính trong cả nước mỗi năm có cả nghìn ca tử vong vì chất diệt cỏ này.
BS Nguyên cho biết, đến nay ghi nhận chỉ các trường hợp uống trực tiếp và chỉ cần 1 ngụm khoảng 5ml là người bệnh đã không có cơ hội sống. Đó là lý do vì sao 70% số ca ngộ độc chất này sẽ tử vong.
Sau uống, dù không cần gây nôn bệnh nhân nôn rất nhiều (do có chất gây nôn trong thuốc), rồi rửa ruột, than hoạt, thuốc giải độc… nhưng hiệu quả hạn chế bởi hấp thụ nhanh, đặc biệt là phổi.
Tuy nhiên, hiện Bộ NNPTNN vừa ra Quyết định 278/QĐ-BNN-BVTV loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam sau 2 năm nữa.
Theo BS Nguyên, các bác sĩ chuyên ngành chống độc đều rất vui mừng trước thông tin này và mong muốn: “Chính sách cấm paraquat càng được thực hiện sớm, càng cơ hội cứu nhiều người bệnh, ít nhất 1.000 bệnh nhân mỗi năm". Bởi tự tử cũng là một loại bệnh, do gặp các vấn đề tâm lý quá ngưỡng chịu đựng. Nếu không có paraquat người bệnh sẽ có cơ hội được cứu sống tốt hơn.
Hồng Hải