Đắk Nông:

Xót xa những vụ tự tử bằng thuốc bảo vệ thực vật

(Dân trí) - Trong năm 2016 toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận hàng trăm vụ tự tử bằng thuốc bảo vệ thực vật (bao gồm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ), tuy nhiên phần lớn số vụ này lại xuất phát từ những lý do rất đơn giản có phần “lãng xẹt”.

3 bệnh viện tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân nhập viện vì tự tử

Gần một năm trôi qua, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Th. (xã Đắk Drô, huyện Krông Nô) chưa hết sợ hãi, lo lắng về việc cô con gái đầu lòng uống thuốc diệt cỏ tự tử chỉ vì bị mẹ mắng. Gia đình vốn yên bình nay trở lên xáo trộn vì phải canh chừng cô con gái đang tuổi ăn tuổi học từng tự tử “hụt” một lần.

Bà Th. kể lại, hôm đó cô con gái của bà là Tào Thị Tr. đi chơi với bạn mà không báo với gia đình nên khi về, bà có trách mắng con vài lời. Tưởng như mọi lần, bị mẹ mắng thì Tr. chỉ ra phía sau bếp ngồi khóc hoặc chơi với em. “Nào ngờ con bé lấy ngay chai thuốc diệt cỏ để uống. May mà đứa em trai phát hiện nên hét toáng lên cho cả nhà biết chứ không bây giờ nó cũng xanh mồ rồi”, bà Th. bàng hoàng nhớ lại.

Dương như đã quên cảm giác đối diện với tử thần của mình, cô bé 15 tuổi hồn nhiên, vui vẻ cho biết: “Hôm đó do thấy tủi thân nên em nghĩ đến cái chết để được giải thoát nhưng uống được một ít thuốc cỏ thấy đắng và nóng quá nên em nhổ ra. Sau khi uống nước lạnh, móc họng thì đã nôn ra hết”. Tuy nhiên vì loại thuốc diệt cỏ mà Tr. uống rất mạnh nên toàn bộ khoang miệng của em bị bỏng rộp, tróc da, phải mất hơn một tháng mới ăn, nói bình thường được.

Hàng trăm vụ tự sát năm 2016 tại Đắk Nông có liên quan tới thuốc bảo vệ thực vật.
Hàng trăm vụ tự sát năm 2016 tại Đắk Nông có liên quan tới thuốc bảo vệ thực vật.

Cuối tháng 10/2016, người dân trên địa bàn xã Đắk Ha, huyện Đắk G’Long bất ngờ phát hiện là bà Phạm Thị V. (quê Thanh Hóa) tử vong trong vườn nhà. Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện một số chai lọ đựng thuốc trừ sâu, nghi ngờ nạn nhân đã sử dụng để tìm đến cái chết.

Hơn 1 tháng, ông Võ Minh H. (chồng bà V) vẫn chưa tin rằng người vợ của mình đã chết và luôn tự dằn vặt vì góp phần dẫn đến kết cục thương tâm này. Ông H. cho hay, ngày xảy ra sự việc, bà V. không có biểu hiện gì khác thường. Tuy nhiên, mấy hôm trước vợ chồng ông bà có lời qua tiếng lại, có lẽ tâm lý bà V. bị kích động nên dẫn tới hành động trên.

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, trong năm 2016 bệnh viện này đã tiếp nhận 119 bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì tự tử. Riêng tháng 11/2016, Khoa cấp cứu Bệnh viện này tiếp nhận 14 trường hợp tự tử bằng thuốc độc. Đặc biệt, do mâu thuẫn vợ chồng nên hai thai phụ là La Thị K. O. (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) và Bùi Thị T.Q (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp) cũng tìm đến cái chết bằng thuốc diệt cỏ. Rất may hai nạn nhân được xử lý kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng song cả hai thai nhi đều không giữ được.

Ngoài ra, trong năm 2016 Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Nô cũng tiếp nhận 35 trường hợp; Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song tiếp nhận 54 trường hợp cấp cứu vì uống thuốc bảo vệ thực vật. Phần đông các trường hợp tự tử bằng thuốc độc này đều xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng, bố mẹ hoặc mâu thuẫn xã hội.

Biến chứng theo suốt đời

Bác sĩ Huỳnh Văn Ân, Khoa cấp cứu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết, hầu hết những loại thuốc bảo vệ thực vật là chất cực độc, chỉ cần uống khoảng 5 ml đủ khiến nạn nhân tử vong. Riêng đối với những trường hợp uống thuốc diệt cỏ (thường gọi là thuốc cỏ cháy) thì việc cứu chữa rất khó khăn do thuốc đã phá hủy các nhu mô ruột non, ruột già.

Bác sĩ Ân cũng thông tin, những người sau khi tự tử “hụt” sẽ gặp một số biến chứng về thần kinh, tràn dịch màng phổi, viêm đường ruột hoặc viêm dạ dày… những biến chứng này có thể theo họ đến hết cuộc đời.

Trao đổi với PV Dân trí về hành vi này, thạc sĩ bác sĩ Ái Ngọc Phân, Giảng viên bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP.HCM nhìn nhận, phần lớn các trường hợp tự sát do rơi vào trạng thái trầm cảm, chán nản, mất hứng thú, bi quan, phẫn uất, tuyệt vọng. Những trạng thái này có thể xuất hiện sau 1 biến cố, sự thay đổi, mất mát nào đó trong cuộc sống. Trong khi với người vị thành niên, đứng trước sự thay đổi lớn về tâm sinh lý, trải qua quá trình "làm quen với cơ thể mới" kết hợp với sự nhạy cảm của lứa tuổi dễ làm họ có phản ứng tiêu cực với những lời chê bai, chỉ trích từ bên ngoài.

Cũng theo bác sĩ Ái Ngọc Phân, vì những người tự sát hụt hoàn toàn có khả năng tự sát lần nữa và hành vì có thể mạnh mẽ hơn lần trước để "thành công" nên chuyên gia này khuyến cáo: “Người có ý định tự sát luôn luôn có dấu hiệu báo trước bởi vì không bao bao giờ họ "ra đi" lặng lẽ. Họ luôn cố nói, cố để lại 1 thông điệp nên người nhà cố gắng lưu ý, không nên phớt lờ, xem nhẹ. Nếu sự chán nản, bi quan và tuyệt vọng quá lớn, gia đình hãy đưa họ đến gặp các chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần kinh để được hỗ trợ.”

Dương Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm