(Dân trí) - Giữa phòng bệnh, bé gái độ tuổi bắt đầu dậy thì co mình sau cơn sốt cao, vùng kín chảy máu bất thường, vật vã khóc thét vì rối loạn hành vi, biến chứng nguy hiểm của căn bệnh sốt xuất huyết.
Những đứa trẻ rối loạn hành vi, chảy máu vùng kín bất thường vì sốt xuất huyết "hành hạ"
(Dân trí) - Giữa phòng bệnh, bé gái độ tuổi bắt đầu dậy thì co mình sau cơn sốt cao, vùng kín chảy máu bất thường, vật vã khóc thét vì rối loạn hành vi, biến chứng nguy hiểm của căn bệnh sốt xuất huyết.
Thống kê trong 5 tháng đầu năm 2022, TPHCM ghi nhận hơn 11.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, tăng đến 66,5% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng số ca nặng tăng gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái, đã có 7 trường hợp bệnh nhân ở TPHCM tử vong, tính đến đầu tháng 6.
Tại các cơ sở y tế ở địa phương, đặc biệt ở những bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối, áp lực điều trị của các y bác sĩ đang ngày một nặng nề hơn.
Nỗi ám ảnh sau những cơn sốt cao
"Ráng ăn một chút cho có sức đi con, mấy ngày nay có ăn uống được gì đâu. Khỏe thì mới được cho về sớm…" - tiếng chị Dung (34 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức) cố gắng đưa cơm vào miệng bé B.T. (12 tuổi) trong sự nhăn mặt, khó chịu vì đang mệt mỏi của con gái. Cả buổi trời, T. chỉ nuốt được mấy muỗng.
5 ngày trước đó, bé gái bất ngờ lên cơn sốt. Nghĩ T. đã lớn có sức đề kháng tốt, cộng thêm bác sĩ bệnh viện địa phương báo rằng tình trạng chưa có gì bất thường, chị Dung để con ở nhà tự theo dõi.
Nhưng đến ngày thứ 4 khi bé không giảm sốt, bản năng người mẹ mách bảo có điều chẳng lành. Đưa con đến thẳng Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Dung tá hỏa khi nghe bác sĩ báo bé bị sốt xuất huyết nặng, phải nhập viện gấp.
"Bé bị chảy máu chân răng liên tục, ra kinh toàn máu cục. Mới 24 giờ, bác sĩ cho con tôi truyền liên tục 10 chai nước. Tới giờ, máu dưới vùng kín vẫn còn chảy" - người mẹ nói.
Theo chị Dung, nhà của gia đình nằm ở gần cầu cống, khó thoát nước, muỗi rất nhiều. Những ngày trước, chị đã liên hệ cơ quan chức năng phản ánh tình trạng này. Con gái mới nhiễm Covid-19 hơn một tháng trước, giờ lại bị sốt xuất huyết nặng hành hạ, khiến người mẹ không khỏi lo lắng.
Cách giường bệnh của bé T. không xa, chị Huyền (41 tuổi), mẹ bé H.N. (8 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cũng đứng ngồi không yên, sau khi con phải nhập viện vì sốt cao 3 ngày, lừ đừ và biếng ăn. Thời điểm vào viện, các bác sĩ trực cấp cứu thông báo bé bị đông máu nặng.
"Tôi không biết bé bị muỗi chích lúc nào mà bệnh nặng như vậy. Chiều tối nay, tôi sẽ đưa con út 6 tuổi sang nhà ngoại ở tạm, đề phòng cháu cũng nhiễm bệnh giống chị.." - tiếng người mẹ đứt quãng trong cơn ho kéo dài của con gái.
Ngay sau đó, 2 nhân viên y tế bước vào, báo tin xấu. N. bị biến chứng nặng tràn dịch màng phổi 2 bên, suy hô hấp, phải chuyển qua khu hồi sức để hỗ trợ thở CPAP (thở áp lực dương liên tục).
"Với tình hình này, khả năng cao bé phải thở máy. Chúng tôi cố gắng duy trì thể trạng bệnh nhi thêm 2 ngày nữa, không để diễn tiến xấu hơn. Khi sốt xuất huyết qua giai đoạn hồi phục, bé sẽ được sẽ dùng thuốc lợi tiểu để kiểm soát tràn dịch màng phổi, màng bụng" - bác sĩ Nguyễn Đình Qui, phụ trách khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin.
12 giờ, chiếc băng ca được các điều dưỡng đưa đến, kéo bé N. từ phòng bệnh thường sang khu bệnh nặng, kéo theo sự suy sụp và ánh mắt thất thần của người mẹ tên Huyền.
Khi cánh cửa phòng hồi sức đóng lại, chúng tôi mới nhận ra có nhiều phụ huynh ở tỉnh đưa con em lên TPHCM điều trị đang nằm ở hành lang. Trong số này có anh Bùi Văn Cảnh, cha bé M. (11 tuổi, quê huyện Hớn Quản, Bình Phước).
Vào cuối tuần trước, khi M. đi cấp cứu vì cơn sốt cao, bác sĩ bệnh viện địa phương chẩn đoán bé sốt siêu vi nặng. Đến khi xuất hiện triệu chứng co giật, nói sảng, bệnh nhi được làm thủ tục chuyển viện. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, anh Cảnh mới biết con mắc sốt xuất huyết Dengue. 4 ngày qua, người cha nằm giường xếp do bệnh viện chuẩn bị sẵn, chăm sóc cho con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn.
"Người nhà phải điều trị lâu nên em mang võng vào đây nằm luôn cho đỡ tốn" - Tiến Tân (17 tuổi) tâm sự. Người nhà Tân là bé Như Ngọc (13 tháng tuổi), chuyển từ Gia Lai xuống TPHCM ngày 29/5. Vừa sốt xuất huyết lại mắc bệnh suy thận, viêm gan B, con đường đi tìm sự sống của bé gái còn rất chông gai phía trước.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui, hiện tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị cho hơn 80 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trên tổng số 120 bệnh nội trú. Trong đó có 13 ca nặng, lâm vào sốc, viêm phổi và tổn thương gan, khoảng 30 ca có dấu hiệu cảnh báo phải truyền dịch điện giải, cao phân tử và dùng nhiều biện pháp hỗ trợ.
Từ đầu dịch, đã có 7 trường hợp tử vong tại đây vì sốt xuất huyết nặng, đa số là bệnh nhi ở tỉnh chuyển đến.
"Chúng tôi vẫn tăng cường sàng lọc ngay từ ngoài phòng khám, để hạn chế những trường hợp không cần thiết nhập viện. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng có hệ thống giường xếp phục vụ khi bệnh nhi chưa có giường, không để xảy ra tình trạng quá tải, khiến trẻ phải nằm đôi, nằm ba" - bác sĩ Qui chia sẻ.
Rối loạn hành vi, chảy máu vùng kín bất thường
Bác sĩ Qui cho biết, bệnh cảnh do sốt xuất huyết gây ra việc trẻ sốt cao liên tục 39-40 độ C từ 3-4 ngày. Lúc này, trẻ có thể bị ức chế hệ thần kinh, biểu hiện bằng việc nói sảng.
Riêng với những bé gái ở lứa tuổi tiền dậy thì, bắt đầu hành kinh, bác sĩ sẽ phải đánh giá về lượng máu kinh trong thời gian điều trị sốt xuất huyết. Sẽ có trường hợp mất máu kinh nhiều (lên đến 400-500 ml máu), kèm theo tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu. Lúc này, người điều trị phải đánh giá để quyết định truyền máu cho bé.
"Với những trường hợp chảy nhiều máu kinh kéo dài trên 7 ngày, bệnh nhi cần được kiểm tra để xem có bị các vấn đề phụ khoa khác hay không" - bác sĩ phân tích.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, nhiều trẻ ở độ tuổi lớn cũng bị căn bệnh sốt xuất huyết hành hạ, gây nhiều biến chứng.
Phát hiện bé B.H. (ngụ Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) sốt kéo dài, chị Phạm Thị Bảo Nhi (41 tuổi, mẹ bé) nghi ngờ sốt siêu vi nên ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho con uống. Ban đầu, bé hạ sốt nhưng 2 ngày sau tái lại. Lúc này, người mẹ đưa con lên TPHCM điều trị thì được thông báo bé đã giảm tiểu cầu nặng vì sốt xuất huyết.
"Hai ngày qua, con tôi phải truyền nước liên tục. Bé đến ngày hành kinh nhưng ra máu rất bất thường, đi tiểu thấy máu kinh đóng cục. Bình thường con tôi dễ chịu nhưng từ lúc bệnh lại rất hay cáu gắt" - người mẹ chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 thống kê, trung bình những ngày gần đây, khoa tiếp nhận khoảng 70 bệnh nhi sốt xuất huyết. Trong đó, 5-10% là những trường hợp cảnh báo và nặng.
Theo TS.BS Tuấn, trong các biến chứng nặng do sốt xuất huyết, có xuất huyết thể não, khiến trẻ bị thay đổi hành vi, nhận thức, kích thích vật vã la hét, yếu liệt cục bộ, co giật... Các triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.
Có 3 nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên. Thứ nhất, sốt xuất huyết gây ra các rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ natri máu, dẫn đến thay đổi hành vi tri giác. Thứ hai, tình trạng toan chuyển hóa làm thay đổi nồng độ pH trong máu, cũng gây thay đổi hành vi tri giác. Ngoài ra, cũng có thể do virus tấn công trực tiếp và gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Các cơ chế trên có thể kết hợp trên cùng một bệnh nhân.
TS.BS Tuấn khẳng định, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ hồi phục hoàn toàn. Nhưng nếu không điều trị hoặc phát hiện trễ, bệnh nhân đã xảy ra hôn mê kéo dài, phù não thì có thể để lại di chứng về sau.
Do đó, nếu bệnh nhân có sốt cao liên tục 2 ngày trở lên, có triệu chứng đau đầu, nôn ói nhiều, vật vã, đau bụng nhiều, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, đi cầu phân đen... cần đưa đi bệnh viện kiểm tra.
Riêng với bé gái đến tuổi dậy thì còn có triệu chứng xuất huyết âm đạo, tử cung bất thường. Phụ huynh hãy theo dõi kỹ và tái khám mỗi ngày, cho trẻ uống nước nhiều, tránh để xuất huyết quá nhiều mới nhập viện sẽ rất nguy hiểm.
Các chuyên gia dự báo, tháng 6 và tháng 7 hàng năm là thời điểm dịch sốt xuất huyết đạt đỉnh tại TPHCM. Từ giờ đến khi hết dịch, khoa truyền nhiễm của các bệnh viện sẽ phải đối mặt với nguy cơ quá tải.
Ban ngày cũng nên ngủ mùng (màn)
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sẽ chích người vào thời điểm chạng vạng chứ không đợi đến đêm. Do đó, trẻ cần được ngủ mùng kể cả ban ngày để hạn chế bị muỗi chích.
Ngoài ra, các gia đình phải chú ý không để ao tù, nước đọng, lật úp các lu vại, vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm… nhằm không cho muỗi tập trung và sinh sản.
Nội dung và ảnh: Hoàng Lê