Hạ sốt sau khi uống thuốc, 2 trẻ vẫn nguy kịch vì sốt xuất huyết

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sau khi được cha mẹ cho uống thuốc, các bé đều hạ sốt nhưng bất ngờ bú kém, môi tái và nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì sốc sốt xuất huyết Dengue độ nặng nhất.

Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã liên tục tiếp nhận điều trị cho 2 trường hợp trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng tuổi) bị sốt xuất huyết rất nặng.

Trước đó, cả 2 bé gái tên M. (4 tháng tuổi, ngụ quận 12) và U. (8 tháng tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) được cha mẹ đưa đến viện trong đêm với tình trạng môi tái, chi mát, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, gan to, chấm xuất huyết rải rác kèm máu cô đặc với dung tích hồng cầu lên đến 51%.

Khai thác lời kể từ gia đình, 2 bé có bệnh sử khá giống nhau với 3 ngày đầu sốt cao liên tục, được gia đình cho uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt lại. Qua ngày thứ 4, bé bớt sốt nhưng lại lừ đừ, bú kém, tay chân lạnh, môi tái.

Hạ sốt sau khi uống thuốc, 2 trẻ vẫn nguy kịch vì sốt xuất huyết - 1

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Tại bệnh viện, qua thăm khám và dựa vào các triệu chứng cụ thể, 2 bé được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue độ nặng nhất, với yếu tố tiên lượng nặng là xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.

Ngay lập tức, các bệnh nhi được cho thở oxy, truyền dịch chống sốc. Tuy nhiên do bé còn quá nhỏ và tình trạng trụy tim mạch rất nặng nên việc tiếp cận đường truyền tĩnh mạch rất khó khăn. Các bác sĩ phải tiến hành chích tủy xương và bộc lộ tĩnh mạch để có đường truyền cấp cứu cho bé. Kế đến, 2 bé được truyền dung dịch điện giải và cao phân tử để chống sốc.

Hạ sốt sau khi uống thuốc, 2 trẻ vẫn nguy kịch vì sốt xuất huyết - 2

2 trẻ nhũ nhi bị sốt xuất huyết Dengue độ nặng nhất (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Vì việc xuất huyết da niêm, tay chân nhiều gây thiếu máu nặng, ê-kíp điều trị khẩn trương truyền máu và các chế phẩm máu như huyết tương tươi, kết tủa lạnh và tiểu cầu để ổn định đông máu cho bé, tránh nguy cơ xuất huyết tiêu hóa hay xuất huyết não.

Ngoài ra, bệnh nhi cũng được thông khí áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP) để xử lý tình trạng suy hô hấp nặng do phù mô kẽ phổi và tràn dịch màng phổi.

Hơn 3 ngày cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), tình trạng 2 bé cải thiện tốt và được chuyển lên khoa Sốt xuất huyết điều trị tiếp. Hiện tại, sức khỏe 2 bé đã hồi phục, tỉnh táo, bú tốt và đã được xuất viện trong niềm vui của gia đình và đội ngũ thầy thuốc.

PGS.TS. Phạm Văn Quang, Trưởng khoa ICU, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện nay TPHCM đã vào mùa mưa và dịch sốt xuất huyết  đang tăng cao. Bệnh sốt xuất huyết Dengue có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhũ nhi đến trẻ lớn và người lớn. Do đó mọi người phải luôn cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết Dengue vì có nguy cơ bệnh nặng và tử vong.

"Bất kỳ trẻ em nào sốt từ 2-3 ngày trở lên cần được nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết Dengue và nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời" - bác sĩ khuyến cáo.

Triệu chứng nhận biết bệnh sốt xuất huyết Dengue: Trẻ sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm dấu hiệu xuất huyết, như chấm xuất huyết ở da (thường ở cánh tay, cẳng chân), chảy máu răng, máu mũi. Khi trở nặng, trẻ sẽ đau bụng nhiều, gan to, trụy tim mạch với tay chân lạnh, da nổi bông, ói máu hay tiêu phân đen.

Tính đến ngày 20/5, thống kê báo cáo số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy tại TPHCM trong năm 2022 là 8.481 ca (tăng 28% so với cùng kỳ 2021). Số trường hợp sốt xuất huyết nặng là 175 ca, tăng gần gấp 7 lần so với cùng kỳ 2021. Đã có 7 trường hợp tử vong.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm